Cách quản trị của Apple: Cách Apple được tổ chức để đổi mới sáng tạo

Apple nổi tiếng với những đổi mới sáng tạo về phần cứng, phần mềm và dịch vụ. Nhờ đó, Apple đã tăng từ khoảng 8.000 nhân viên và doanh thu 7 tỷ đô la vào năm 1997 (năm Steve Jobs quay trở lại công ty), lên 137.000 nhân viên và doanh thu 260 tỷ đô la vào năm 2019. Tuy ít được nhắc đến, nhưng cách quản trị độc đáo của Apple trong việc thiết kế bộ máy tổ chức và mô hình lãnh đạo đã đóng vai trò quan trọng trong sự thành công về mặt đổi mới sáng tạo của Apple.

Được biên dịch từ Harvard Business Review – Tác giả: Joel M. Podolny và Morten T. Hansen, bài viết này được chia thành ba phần:

  1. Phần 1: Cách quản trị của Apple: Cách Apple được tổ chức để đổi mới sáng tạo (P1)
  2. Phần 2: Cách quản trị của Apple: Ba đặc điểm chính của nhà lãnh đạo (P2)
  3. Phần 3: Cách quản trị của Apple: Mô hình lãnh đạo ở quy mô lớn (P3)

Các thuật ngữ được sử dụng trong bài:

  • Business unit: đơn vị kinh doanh
  • GM (hay General manager): tổng giám đốc
  • VP (hay Vice president): phó chủ tịch
  • Cấu trúc phi tập trung / Cấu trúc tập trung
  • Cấu trúc theo chức năng / Cấu trúc theo sản phẩm / Cấu trúc đa ngành

Cách quản trị của Apple: Tổ chức theo cấu trúc tập trung và cấu trúc chức năng

Vào năm Steve Jobs trở lại công ty, Apple đang được tổ chức theo cấu trúc thông thường, giống như các công ty cùng quy mô và phạm vi hoạt động khác. Công ty được chia thành nhiều đơn vị kinh doanh (business unit) khác nhau, mỗi đơn vị có trách nhiệm về doanh thu và lợi nhuận (P&L) riêng. Nhóm sản phẩm Macintosh, bộ phận thiết bị thông tin và bộ phận sản phẩm máy chủ, cùng những nhóm khác, được quản lý bởi các tổng giám đốc (các GM).

Như thường thấy ở các công ty tổ chức theo cấu trúc phi tập trung, các vị GM này của Apple có xu hướng đấu tranh với nhau, đặc biệt là về giá chuyển nhượng. Steve Jobs cho rằng cách quản trị thông thường này kìm hãm sự đổi mới sáng tạo. Vì thế, ngay trong năm đầu tiên trở lại làm CEO, ông đã sa thải tất cả GM của các đơn vị kinh doanh đó chỉ trong vòng một ngày. Toàn bộ công ty giờ đây hướng về một P&L duy nhất, và hợp nhất các bộ phận có cùng chức năng đang bị phân tán trong các đơn vị kinh doanh quy về thành một tổ chức chức năng thống nhất. Điều này có nghĩa là Apple được tái cấu trúc theo cấu trúc chức năng.

Sơ đồ cơ cấu tổ chức của tập đoàn Apple: Tổ chức theo cơ cấu chức năng

Việc áp dụng cấu trúc nhân sự theo chức năng có thể không có gì đáng ngạc nhiên đối với một công ty tầm cỡ như Apple vào thời điểm đó. Điều đáng nói là Apple vẫn giữ cách tổ chức này cho đến tận ngày hôm nay, mặc dù tập đoàn đã lớn gấp gần 40 lần về doanh thu và bộ máy tổ chức trở nên phức tạp hơn nhiều so với năm 1998. Các phó chủ tịch (VP) cấp cao phụ trách theo từng chức năng, chứ không phải theo sản phẩm.

Giống như thời của Steve Jobs trước đây, Apple duy trì việc quản trị nhân sự theo cấu trúc tập trung: CEO Tim Cook chiếm vị trí trung tâm trên sơ đồ tổ chức, nơi giao nhau duy nhất giữa các bộ phận thiết kế, kỹ thuật, vận hành, marketing và bán lẻ của bất kỳ sản phẩm chính nào của Apple. Ngoài CEO, công ty hoạt động mà không cần có các GM – những người kiểm soát toàn bộ quy trình từ phát triển sản phẩm đến bán hàng và được đánh giá dựa trên kết quả P&L riêng biệt – theo mô hình thông thường.

Tin tức liên quan
Vui lòng đăng nhập để bình luận