Review sách Quán rượu

Review sách Quán rượu

sachvui.co Review Audio

Nền văn học hiện thực Pháp đã trở thành một cây đại cổ thụ gây ảnh hưởng trên toàn thế giới. Từ những tên tuổi nổi tiếng như Maupassant, Hugo, Flaubert… nước Pháp thế kỉ 19 như một bức tường thành không thể bị kéo sụp cho một xã hội hiện thực không thể thật hơn. Dù cho những nhà văn trên có dùng những sự nhân đạo cho nhân vật của mình hay những câu văn giảm nhẹ thì có một nhà văn có phong cách khá khác biệt.

Ông không hề che dấu hay nói tránh, thẳng tay khắc họa hiện thực bạo tàn mà đau thương. Đó chính là đại văn hào Emile Zola, cũng là người tiên không trong chủ nghĩa tự nhiên. Với rất nhiều bộ tiểu thuyết như Ba thành phố, Bốn chân lý tên tuổi ông đã không còn xa lạ với người Pháp cũng như toàn thế giới. Đáng kể nhất phải nói tới một bộ tiểu thuyết gồm 20 cuốn sách mà Zola sáng tác do cảm hứng từ bộ Tấn trò đời của Balzac. Đó không thể là gì khác ngoài bộ gia đình Rougon- Macquart, nổi bật trong đó chính là tác phẩm mang tên Quán rượu.

Là cuốn sách thứ bảy trong bộ tiểu thuyết và đúng như cái tên, cuốn sách đề cập tới nạn rượu tàn phá cả một đời người cũng như làm thối nát cả một xã hội. Nội dung cuốn sách kể về một người phụ nữ giặt đồ tên Gervaise, do nhẹ dạ bỏ trốn cùng nhân tình cùng hai đứa con lên thành phố rồi bị hắn bỏ rơi. Sau đau khổ, cô bắt đầu cuộc tình mới với một người đàn ông sửa mái nhà và cũng có một đứa con gái.

Review sách Quán rượu

Thời gian đầu cuộc sống tốt đẹp hạnh phúc nhưng sau một tai nạn xảy tới với chồng cô, mọi thứ đã trở thành địa ngục. Gervaise vay mượn để mua một tiệm giặt với mong muốn cải thiện cuộc sống khó khăn vất vả. Thế nhưng chồng mới của cô lại chỉ biết nằm một chỗ và suốt ngày đắm chìm trong rượu chè bê tha, không muốn làm việc. Điều thậm chí còn kinh khủng hơn đó là khi ông ta khi dắt nhân tình cũ là Lantier, kẻ bỏ rơi cô lúc trước về chung sống. Cũng từ đây, địa ngục trần gian bắt đầu với một người phụ nữ phải cực khổ làm lụng cho hai tên đàn ông khốn nạn chỉ biết ăn bám và làm khổ người khác trong những men rượu.

Người ta xưa vẫn nói rượu chè và cờ bạc là những thứ tệ nạn khiến gia đình tan nát, nhân cách bại hoại. Nó là nguyên nhân khiến cho Coupeau, người chồng mới của nhân vật chính trở thành một tên vũ phu ăn bám cũng như hủy hoại chính bản thân của Gervaise. Điều đáng nói nhất chính là ngay từ đầu người thợ mái nhà không hề uống rượu, thậm chí nói không với nó cũng như Gervaise.

Vậy mà hoàn cảnh sống thật đáng sợ, người ta tìm tới thứ men đó như một cách tìm quên cuộc sống và chấp nhận bị hủy hoại bởi nó. Và ở đây xuyên suốt cuốn sách cũng như cái nhan đề đã cho thấy sức tàn phá khủng khiếp và dư âm để lại ám ảnh người đọc. Khi say ai cũng bộc lộ bản chất và suy nghĩ thật, và đúng như vậy hai con thú vật được cởi bỏ lớp mặt nạ để hành hạ và đoạ đầy một người phụ nữ. Một cơn ác mộng mang tên Rượu đưa tất cả độc giả chứng kiến màn thảm kịch còn tệ hơn cả cái chết với một người phụ nữ. Chúng ta có thể thấy được đa phần các tiểu thuyết gia hiện thực của Pháp thế kỉ 19 thường hay chia sẻ chung một cái nhìn. Với những người phụ nữ trong xã hội bấy giờ, họ chỉ như một hạt cát không đáng quan trọng.

Họ như một con bò cái vắt sữa bị lợi dụng và không hề có quyền được quyết định cuộc sống cũng như hạnh phúc của chính mình. Đó là xã hội của nàng Fantine trong Những người khốn khổ vì con mà bán tóc, răng và mọi thứ, một xã hội mà phụ nữ bị chơi đùa tình cảm như món đồ chơi mà người ta vẫn gọi là con điếm trong Ông bạn đẹp. Cuộc đời của chính tác giả người viết lên câu chuyện cũng rất khó khăn. Người cha mất sớm để lại hai mẹ con sống trong nghèo khổ, Zola không muốn thành gánh nặng mà chấp nhận bỏ học đi làm. Với các cuộc tình điển hình như mối tình đầu với Alexandrine Meley, kết thúc mà không có con một phần đã ảnh hưởng tới phong cách sáng tác cũng như cách xây dựng nhân vật của ông. Theo chủ nghĩa tự nhiên, nhà văn không hề ngần ngại phơi bày những cái xấu xa nhất, đen tối nhất của hiện thực bạo tàn.

Hoàn toàn không hề có bất cứ thứ gì gọi là ánh trăng lừa dối che đậy, tất cả nghệ thuật chính là những sự giản dị, bỏ qua mọi sự luân lí mà đi sâu khắc họa với sự vô tư nhất dù có thể đó là ngòi bút lạnh lùng hay vô tình. Cách xây dựng cốt truyện của Zola cũng vậy, hoàn cảnh sống đưa đẩy con người tới bước đường cùng không lối thoát. Từ biểu cảm, tính cách và sự biến chất được Zola khắc họa không thể thực hơn cũng như cái nạn rượu chè làm biến chất con người. Từ một người phụ nữ tốt bụng chăm chỉ bị hoàn cảnh đưa đẩy tới tha hoá biến chất, mặc kệ sự đời và cũng đắm chìm trong men rượu.

Cô đánh mất tất cả và ngập đầu trong các khoản nợ và tự hủy hoại bản thân. Và cũng trong hoàn cảnh sống thối nát đó, đứa con gái duy nhất của cô và chồng mới cũng trở nên hư hỏng. Nhất là cái kết truyện không thể không ám ảnh hơn khi hiện thực được khắc họa như một bức tranh địa ngục thật tới từng chi tiết. Dù cho hiện thực là khổ đau tàn nhẫn nhưng đến cuối thì tác giả cũng là con người, cũng có lòng thương và tạo dựng một tia sáng cứu rỗi từ thiên đường cho nhân vật của mình. Gervaise trong lúc tàn tạ nhất đã được anh thanh niên Goujet chấp nhận và ngỏ lời.

Cô hoàn toàn có quyền được lựa chọn hạnh phúc sau những khổ đau nhưng không. Hiện thực đã quá bạo tàn, dù cho đó có là ánh sáng cứu rỗi từ thiên đường thì Gervaise cũng tự nhận thấy mình không xứng đáng cũng như không thể làm khổ người tốt như anh thợ rèn Goujet. Đó có lẽ là hành động đúng đắn nhất, cũng là sự tỉnh táo nhất mà một người bị rượu dày vò tới tan nát có thể làm được. Tự nhận thức mình không xứng đáng, không muốn anh bị mất mặt hay làm khổ cuộc sống một người tốt là một sự cứu rỗi cuối đời của cô cũng như anh thợ rèn mà tác giả muốn nhắc tới. Điều này đôi phần làm chúng ta nhớ tới mối tình bi thương giữa nàng vũ công Myra và chàng đại tá Roy trong bộ phim Cầu Waterloo năm 1940.

Đọc cuốn sách xong bạn sẽ thấy một sự thương cảm với người phụ nữ tên Gervaise trong truyện. Một phần của sự nhẹ dạ khiến ta liên tưởng tới Tám Bính của Nguyên Hồng hay người mẹ Simon của Maupassant. Một kiếp người cũng như một xã hội bị trôi đạt và cầm tù trong chai rượu tới khi hết sức mà chết chìm trong đó. Hơi men nồng bốc lên từ những trang sách đầy hiện thực cho bạn cảm giác của sự suy đồi thối nát nhưng cũng là sự đồng cảm cho những kiếp người bị hoàn cảnh sống làm cho biến chất hoàn toàn không còn là chính mình. Đây là tác phẩm mà chúng ta không thể phán xét hay hiểu rõ nội dung và bài học nếu không nhìn nhận các vấn đề theo từng khía cạnh khác nhau. Một câu hỏi sẽ được đặt ra khi gấp lại cuốn sách:

“ Bạn đang tỉnh hay say khi đọc xong Quán rượu?”

Tin tức liên quan
Vui lòng đăng nhập để bình luận