Rate this post

Tác giả: Trần Quỳnh

Sachvui.vn Review Audio

Ảnh chụp Màn hình 2021 02 22 lúc 11.42.00 SA Review Nguồn gốc trật tự chính trị - trật tự chính trị và suy tàn chính trị

REVIEW COMBO SÁCH:

1.Nguồn gốc trật tự chính trị – từ thời Tiền sử đến Cách mạng Pháp

2.Trật tự chính trị và Suy tàn chính trị – từ Cách mạng Công nghiệp tới Toàn cầu hóa

Tác giả: Francis Fukuyama

Dịch giả: Nguyễn Khắc Giang, Bùi Kim Tuyến

Francis Fukuyama sinh năm 1952, là nhà triết học, kinh tế chính trị và tác giả người Mỹ. Ông nhận bằng tiến sĩ đại học Harvard và từng làm việc trong bộ phận hoạch định chính sách của bộ ngoại giao Hoa Kỳ. Hiện ông là giáo sư kinh tế chính trị quốc tế và giám đốc chương trình phát triển quốc tế tại trường Paul H. Nitze thuộc đại học Join Hopkins,Washington, D.C. Tờ New York Times đã viết về ông như sau: “Chúng ta cần nhiều nhà tư tuởng thông tuệ như Francis Fukuyama để cày xới mảnh đất của sự tiên đoán. Và chúng ta cũng cần nhiều độc giả hơn để đọc những gì mà các nhà tư tưởng ấy thu hoạch được”.

Một số tác phẩm tiêu biểu của ông gồm:

Sự cáo chung của lịch sử và Con người cuối cùng

Nguồn gốc trật tự chính trị

Trật tự chính trị và suy tàn chính trị

Bản sắc: Nhu cầu phẩm giá và chính trị phẫn nộ (cuốn này đã được ra mắt bạn đọc vào tháng 10/2020)

Tập 1: Nguồn gốc trật tự chính trị – từ thời Tiền sử đến Cách mạng Pháp

Thuộc series sách Khoa học Chính trị của Francis Fukuyama, nói về tính ổn định của nhà nước. Mục tiêu của cuốn sách là tìm hiểu cách thức các thiết chế và nhà nước phát triển ở các quốc gia khác nhau nên nó còn đóng vai trò là một nghiên cứu lịch sử so sánh.

Để hiểu được nguồn gốc thật sự của trật tự chính trị, Fukuyama cung cấp cho độc giả những thông tin lần theo lịch sử của Trung Hoa, Ấn Độ, châu Âu cùng một vài quốc gia Hồi giáo khác, từ đó giúp độc giả hiểu sâu về trật tự chính trị.

Ian Morris – tác giả của “Tại sao Phương Tây vượt trội” đã đánh giá về cuốn sách này là “một chiến thắng về học thuật, đồ sộ về quy mô, vững vàng về lý luận, và giàu tính khuyến nghị. Nói tóm lại, đây là một tác phẩm kinh điển.”

Các dữ liệu lịch sử được trình bày trong cuốn sách này thú vị chính bởi vì chúng làm sáng tỏ tình hình hiện tại và giải thích nguồn gốc của các trật tự chính trị khác nhau. Nhưng xã hội loài người liệu có bị mắc kẹt bởi quá khứ của mình? Việc các nhà nước hiện đại xuất hiện ở Trung Quốc hoặc châu Âu là kết quả của một số nhân tố như nhu cầu liên tục phải chuẩn bị và tham gia chiến tranh có nghĩa là các quốc gia yếu ở châu Phi ngày nay phải làm y như vậy nếu họ muốn hiện đại hóa?

Tập 2: Trật tự chính trị và Suy tàn chính trị – từ Cách mạng Công nghiệp tới Toàn cầu hóa

Tập này nói về các chế độ chính trị từ thời hiện đại tới nay, từ khi bắt đầu có chủ nghĩa tư bản. Tác giả phân tích về cấu trúc của các chế độ đó dựa trên nền tảng là bộ máy nhà nước, pháp quyền và trách nhiệm giải trình dân chủ.

Tập hai sẽ đưa câu chuyện đến thời hiện đại, đặc biệt chú ý đến tác động của các thể chế chính trị phương Tây đối với xã hội ở các nước này khi họ tìm cách hiện đại hóa. Sự phát triển chính trị trong thế giới hiện đại xảy ra dưới những điều kiện khác biệt đáng kể so với nửa sau thế kỷ XVIII.Cuốn sách sẽ mô tả cách phát triển chính trị xảy ra trong thế giới đương đại, kể tường tận việc nhà nước, pháp luật, và dân chủ hình thành phát triển trong vòng 2 thế kỷ qua ra sao? Chúng tương tác với nhau và với các chiều phát triển kinh tế-xã hội như thế nào, và cuối cùng đã bộc lộ những dấu hiệu suy tàn tại các nền dân chủ phát triển khác ra sao?

Một ví dụ điển hình cho tiến trình phát triển và suy tàn chính trị là Ukraine. “Quốc gia này khiến cả thế giới ngạc nhiên vào năm 2004 khi hàng chục nghìn người đã tới Quảng trường Maidan ở Kiev để phản đối hành vi thao túng cuộc bầu cử tổng thống. Những hành động phản đối này, về sau được gọi là Cách mạng Cam, đã dẫn tới một cuộc bầu cử mới và sự trỗi dậy của nhà cải cách Viktor Yushchenko, người được bầu làm tổng thống. Tuy nhiên, khi nắm quyền, Liên minh màu Cam tỏ ra vô cùng tắc trách và chính Yushchenko đã khiến những người ủng hộ mình thất vọng. Chính phủ mâu thuẫn nội bộ, không giải quyết được vấn đề tham nhũng nghiêm trọng ở Ukraine và đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008–2009. Kết quả là cuộc bầu cử vào đầu năm 2010 đã đưa Viktor Yanukovych – người bị buộc tội gian lận bầu cử năm 2004 khiến Cách mạng Cam nổ ra – lên làm tổng thống.”

Fukuyama cho rằng, Đan Mạch là xã hội ổn định, hòa bình, thịnh vượng, đầy đủ và trung thực. Vì vậy ông đã đưa ra những phân tích, làm rõ đường hướng để có thể đạt được sự cân bằng giống như xã hội Đan Mạch…Ông hàm ý trật tự chính trị phải được ưu tiên hơn so với các cấu trúc xã hội nguyên thủy nếu muốn đạt được sự ổn định.

Bộ 2 cuốn sách của này Francis Fukuyama chứa đựng một lượng kiến thức khổng lồ với những phân tích sâu rộng về sự phát triển và suy tàn của những nền chính trị điển hình trên thế giới. Vì vậy nó đòi hỏi người đọc cũng phải có kiến thức chuyên ngành về kinh tế chính trị để có thể hiểu hết được những khái niệm, những kiến giải của tác giả về lĩnh vực này. Một combo đồ sộ và rất chất lượng cho những ai muốn tìm hiểu về chính trị.