Sự Thật Bi Hài Về Thế Giới Kinh Doanh

su-that-bi-hai-ve-the-gioi-kinh-doanh-sach-vui
Sach-vui-su-that-bi-hai-ve-the-gioi-kinh-doanh-guy-kawasaki

Lời khen tặng 

“Từ khóa duy nhất để miêu tả về cuốn sách này là hữu dụng. Giống như một cuốn cẩm nang du lịch, cuốn sách bao hàm những lời khuyên thịnh hành và thông minh mà bạn có thể thực sự ứng dụng được. Dễ hiểu và thú vị, Sự thật bi hài về thế giới kinh doanh là cuốn cẩm nang hoàn hảo về ngành kinh doanh hiện nay”.

 ―Emanuel Rosen, tác giả cuốn The Anatomy of Buzz Revisited

“Giờ tôi đã biết họ nói “bách khoa tri thức” là nói về cái gì. Chính là nói về Guy Kawasaki và cuốn sách này là bằng chứng”.

―Dan Roam, tác giả cuốn The Back of the Napkin: Solving Problems and Selling Ideas with Pictures

“Hãy mua hai cuốn sách này. Một cuốn để xé, để đánh dấu, để sao chép và dán lên tường. Một cuốn để dành tặng người đồng nghiệp thiếu năng lực cần thiết của bạn. Ồ, tốt hơn là nên mua ba cuốn nhỉ? Hay là bốn?”

―Seth Godin, tác giả cuốn Linchpin và The Dip

“Sự thật bi hài về thế giới kinh doanh là cuốn sách có tính ứng dụng cao, nhưng cũng không kém phần thú vị. Nếu bạn đang tìm kiếm một cuốn sách tâng bốc khả năng kinh doanh của mình thì cuốn sách này không phải dành cho bạn. Nếu bạn bắt đầu khởi nghiệp và đang tìm hiểu thế giới mà bạn chuẩn bị bước chân vào thì bạn không thể tìm được người thầy nào tốt hơn, chân thật hơn và thú vị hơn Guy Kawasaki”.

―Jack Covert, 800 CEO READ

“Tác phẩm của Kawasaki là một viên ngọc quý. Một mặt, cuốn sách này giống như một chương trình MBA thu gọn, một soạn phẩm về trí tuệ của vô số những hiền nhân và những nhà bác học. Mặt khác, nó giống như một bữa tiệc cocktail, Kawasaki đã nỗ lực đi từ bàn này tới bàn khác, chuyện trò cùng những vị khách – những người đã đưa ra những nhận xét súc tích nhưng sắc sảo, đáp lại những câu hỏi của chủ tiệc… Giá trị lớn nhất của tác phẩm này đối với hầu hết độc giả là góp phần giải quyết vấn đề tìm việc. Lời khuyên, từ cả góc độ ứng viên và người tuyển dụng đều rất chân thực và sâu sắc. Những chương nói về thực tế và tính thất thường của thế giới doanh nghiệp rất thực mà hài”

―Miami Herald Tribune

“Kawasaki đã vượt xa cả mục tiêu mà chính ông tuyên bố là cung cấp “thông tin cốt lõi cho người cốt cán muốn thành công””.

―Time

{ LỜI NÓI ĐẦU 2.0 }

Dưới đây là lời nói đầu hay nhất trong lịch sử sách kinh doanh. Nguyên do có nó là thế này: Ngay sau khi Dan viết lời nói đầu đầu tiên, ông tuyên bố sẽ không tiếp tục làm Steve Jobs giả nữa. Tôi đã xin ông viết một lời nói đầu khác trên danh nghĩa Steve Jobs giả – xem như một vinh hạnh cho cuốn sách của tôi! Thật may mắn là ông đã đồng ý, và thế là Sự thật bi hài về thế giới kinh doanh không chỉ có một mà là hai lời nói đầu.

Bạn có biết tôi nghĩ gì mỗi khi nghe thấy cái tên Guy Kawasaki không? Xe mô tô. Đúng thế đấy. Đó là thứ đầu tiên tôi nghĩ đến khi nghe nhắc tên anh, dù tôi đã được nhắc đi nhắc lại rằng Guy chẳng làm gì dính dáng tới xe mô tô. Vậy nên tôi cố không nghĩ tới xe mô tô, nhưng thôi nào, tên anh chàng chả là Kawasaki còn gì. Bạn còn nghĩ được gì khác nữa chứ?

Dù sao thì vì Guy không phải là một nhà thiết kế xe mô tô nên tôi phải cố nghĩ về một thứ gì đó khác và thường thì điều tôi nghĩ đến chính là việc anh đã từng làm việc cho tôi tại Apple vào những năm 80. Thành thật mà nói, những ngày đó anh không để lại nhiều ấn tượng cho tôi và tôi hầu như không nhớ được bất cứ điều gì về anh, nhưng tôi đã yêu cầu bộ phận nhân sự đem hồ sơ của anh lên và những ghi chú duy nhất của chúng tôi về anh là anh có thói quen hay vào các quán cà phê, vì thế rất nhiều người không thích anh.

Lý do lớn nhất khiến anh nổi tiếng là anh đã tạo ra khái niệm truyền bá công nghệ và cộng đồng lớn những người phát cuồng vì Apple có thể xếp hàng cả đêm chỉ để mua sản phẩm của chúng tôi, thậm chí có thể tấn công bất kỳ ai dám nói xấu Apple. Tới tận bây giờ, những fan cuồng của Apple này vẫn tôn thờ tôi như thần thánh và chưa bao giờ cho tôi lấy một giây yên bình hay riêng tư. Họ ăn trộm biển số xe ô tô của tôi. Một số người thậm chí còn rình rập ở trước nhà tôi với hi vọng có thể chộp được một bức ảnh của tôi khi tôi đi qua cổng. Về cơ bản, họ đã biến cuộc sống của tôi trở thành địa ngục

Vậy nên, cảm ơn nhé, Guy Kawasaki. Cảm ơn triệu triệu lần vì điều đó. Thật lòng, anh đã làm rất tốt.

Vậy thì cuốn sách mới của Guy nói về điều gì? Thành thật mà nói, tôi không biết. Tôi chưa đọc nó. Mà tôi cũng không có ý định đọc. Tôi đã từng nói với Guy rằng: “Này anh bạn, tôi không đọc sách, được chứ? Sách là công nghệ của thế kỷ trước. Nếu anh muốn chuyển thể sách của mình thành phim hay thành bản ghi âm và muốn tải đoạn nội dung hình hay tiếng đó vào iPod hay iPhone thì có lẽ anh đã tạo ra được một nội dung hiện đại mà có thể tôi sẽ sử dụng. Mặc dù thành thật mà nói, ngay cả khi đó, tôi cũng không sử dụng vì tôi không cần phải nghe những ý tưởng của anh về khởi nghiệp, về marketing, gây dựng vốn, hay bất cứ thứ gì khác vì vốn dĩ tôi đã một doanh nhân đại tài nhất trong lịch sử của hành tinh này rồi và những gì tôi quên về marketing thậm chí còn nhiều hơn những gì anh biết về nó. Ngoài những điều đó ra, tôi còn là một người vô cùng bận rộn và quan trọng. Tôi đã có nhiều tiền tới mức tôi có thể đi vệ sinh bằng những tờ 100 đô la mỗi ngày trong suốt quãng đời còn lại của mình. Và tôi vẫn có nhiều tiền hơn hầu hết mọi người trên hành tinh này, kể cả anh, vì lần cuối tôi kiểm tra, anh vẫn chưa tạo được chút tiếng tăm nào trong vai trò một nhà đầu tư mạo hiểm”.

Nhưng tôi đã lạc đề rồi.

Dù sao thì Guy cũng chẳng thực sự quan tâm xem tôi có đọc cuốn sách hay không. Như anh nói với tôi, tất cả những gì anh muốn chỉ là một cái tên nổi tiếng để trưng trên bìa sách, cũng vì khá nhiều người xem thường anh nên phương án cuối cùng của anh là tìm tới tôi. Vâng, vậy thì tôi cũng để anh phải cầu xin tí chút, rồi bắt anh làm một vài việc như đứng một chân trong vòng nửa giờ đồng hồ, đứng lên ngồi xuống, tạo ra những tiếng động lạ. Rồi tôi nói, được rồi, được rồi, thế đủ rồi, anh thật kỳ cục, tôi sẽ viết cho anh cái gì đó

Đây chính là “cái gì đó” – lời giới thiệu chính thức của tôi. Sự thật bi hài về thế giới kinh doanh vượt xa cả cuốn sách tốt nhất từng viết về Thung lũng Silicon. Nó là một công trình quan trọng và cần thiết, một tài liệu cần bắt buộc phải đọc trong tất cả các trường kinh doanh ở Mỹ. Tôi ước có cuốn sách này lúc tôi mới bắt đầu gây dựng Apple trong gara nhà mình năm 1976. Tôi dám chắc lúc đó tôi cũng chẳng đọc nó đâu, nhưng vẫn rất tuyệt nếu lúc đó có nó để giúp rất nhiều những người khác muốn khởi nghiệp nhưng không thể xác định được một vài vấn đề tinh tế hơn của kinh doanh, chẳng hạn như bạn cần phải tính giá sản phẩm cao hơn so với chi phí bỏ ra.

Đó thực sự là bài học siêu-quan trọng, nhưng cũng là bài học mà rất nhiều người, đặc biệt là những người ở Thung lũng xem thường. Nếu những điều siêu-hiển nhiên này không siêu-hiển nhiên với bạn thì có lẽ bạn cần phải đọc một cuốn sách giống như cuốn sách này và cần có một người nào đó giống như Guy Kawasaki để dạy bạn cách khởi nghiệp theo thứ ngôn ngữ mà ngay cả trẻ con cũng có thể hiểu được.

Và giờ tôi lại đang nghĩ tới xe mô tô. Tệ thật! Namaste, những người học đòi kinh doanh tội nghiệp. Tôi xin vinh danh nơi mà ánh nhìn ngờ nghệch của bạn và những lời nói thông thái không tưởng của tôi trở thành một. Cảm ơn. Chào thân ái. 

STEVE JOBS GIẢ 

Tháng Bảy, 2008

Nguồn: Sachvui.com

Tin tức liên quan
Vui lòng đăng nhập để bình luận