14 Tác Phẩm Minh Triết Của Dịch Giả Nguyên Phong

14 tác phẩm của nguyên phong sách vui

Về dịch giả Nguyên Phong

Tác giả Nguyên Phong (Vũ Văn Du) du học ở Mỹ từ năm 1968, tốt nghiệp cao học Sinh vật học, Điện toán. Ông từng là một kỹ sư cấp cao tại Boeing trong hơn 20 năm, một nhà khoa học tại Đại học Carnegie Mellon và Đại học Seeattle.

Ông là tác giả của bộ sách văn hóa tâm linh được dịch, viết phóng tác từ trải nghiệm, tiềm thức và quá trình nghiên cứu, khám phá các giá trị tinh thần Đông phương. Ông đã phóng tác tác phẩm bất hủ Hành trình về Phương Đông năm 24 tuổi (1974). Các tác phẩm khác của Nguyên Phong được bạn đọc nhiều thế hệ yêu thích: Ngọc sáng trong hoa sen, Bên rặng tuyết sơn, Hoa sen trên tuyết, Hoa trôi trên sóng nước, Huyền thuật và các đạo sĩ Tây Tạng, Trở về từ xứ tuyết, Trở về từ cõi sáng, Minh triết trong đời sống, Đường mây qua xứ tuyết, Dấu chân trên cát, Đường mây trong cõi mộng, Đường mây trên đất hoa… và bộ sách dành cho sinh viên, thầy cô: Khởi hành, Kết nối, Bước ra thế giới, Kiến tạo thế hệ Việt Nam ưu việt…

1. Muôn kiếp nhân sinh

“Muôn kiếp nhân sinh” là tác phẩm do Giáo sư John Vũ – Nguyên Phong viết từ năm 2017 và hoàn tất đầu năm 2020 ghi lại những câu chuyện, trải nghiệm tiền kiếp kỳ lạ từ nhiều kiếp sống của người bạn tâm giao lâu năm, ông Thomas – một nhà kinh doanh tài chính nổi tiếng ở New York. Những câu chuyện chưa từng tiết lộ này sẽ giúp mọi người trên thế giới chiêm nghiệm, khám phá các quy luật về luật Nhân quả và Nhân hồi của vũ trụ giữa lúc trái đất đang gặp nhiều tai ương, biến động, khủng hoảng từng ngày.

“Muôn kiếp nhân sinh” là một bức tranh lớn với vô vàn mảnh ghép cuộc đời, là một cuốn phim đồ sộ, sống động về những kiếp sống huyền bí, trải dài từ nền văn minh Atlantis hùng mạnh đến vương quốc Ai Cập cổ đại của các Pharaoh quyền uy, đến Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ ngày nay.

14 Tác Phẩm Minh Triết Của Dịch Giả Nguyên Phong Ảnh chụp Màn hình 2021 05 17 lúc 11.08.14 SA

“Muôn kiếp nhân sinh” cung cấp cho bạn đọc kiến thức mới mẻ, vô tận của nhân loại lần đầu được hé mở, cùng những phân tích uyên bác, tiên đoán bất ngờ về hiện tại và tương lai thế giới của những bậc hiền triết thông thái. Đời người tưởng chừng rất dài nhưng lại trôi qua rất nhanh, sinh vượng suy tử, mong manh như sóng nước. Luật nhân quả cực kỳ chính xác, chi tiết, phức tạp được thu thập qua nhiều đời, nhiều kiếp, liên hệ tương hỗ đan xen chặt chữ lẫn nhau, không ai có thể tính được tích đức này có thể trừ được nghiệp kia không, không ai có thể biết được khi nào nhân sẽ trổ quả. Nhưng, một khi đã gây ra nhân thì chắc chắn sẽ gặt quả – luật Nhân quả của vũ trụ trước giờ không bao giờ sai.

Luật Luân hồi và Nhân quả đã tạo nhân duyên để người này gặp người kia. Gặp nhau có khi là duyên, có khi là nợ; gặp nhau có lúc để trả nợ, có lúc để nối lại duyên xưa. Có biết bao việc diễn ra trong đời, tưởng chừng như là ngẫu nhiên nhưng thật ra đã được sắp đặt từ trước. Luân hồi là một ngôi trường rộng lớn, nơi tất cả con người, tất cả sinh vật đều phải học bài học của riêng mình cho đến khi thật hoàn thiện mới thôi. Nếu không chịu học hay chưa học được trọn vẹn thì buộc phải học lại, chính xác theo quy luật của Nhân quả.

2. Đường mây trong cõi mộng

Đại sư Hám Sơn (1546 -1623) là một trong bốn vị thánh tăng đã có công phục hưng và phát triển Phật giáo trong triều đại nhà Minh (Trung Quốc). Cuộc đời hành đạo đầy gian khổ của Đại sư gắn liền với những biến cố chính trị của lịch sử Trung Hoa cũng như hoàn cảnh suy đồi của Phật giáo thời bấy giờ. Đại sư Hám Sơn là người có công đóng góp rất lớn cho việc chấn hưng Phật giáo thời nhà Minh, mở ra hướng đi mới cho Phật giáo sau một thời gian dài suy thoái. Nhờ cuộc đời tu trì Thiền – Tịnh song tu và công phu hoằng pháp của ngài cùng với các vị cao tăng khác cùng thời, Phật giáo Trung Hoa ngày càng khởi sắc theo tinh thần dung thông, hợp nhất các tông phái.

Đại sư Hám Sơn cũng được coi là người có công đặt nền móng cho tư tưởng “tam giáo đồng nguyên” (sự hòa hợp giữa Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo) khởi phát cho đến ngày nay. Mà ở đó mỗi biến chuyển trong cuộc đời tu hành mẫu mực của ngài là một bài học quan trọng, đáng cho đại chúng suy ngẫm, học hỏi.

14 Tác Phẩm Minh Triết Của Dịch Giả Nguyên Phong Dường mây trong cõi mộng

Ngoài việc cung cấp thông tin đầy đủ, quan trọng về cuộc đời của đại sư Hám Sơn, cuốn sách còn có nhiều giá trị ở mặt sử liệu, cung cấp những góc nhìn khác biệt về thời cuộc chính trị với nhiều nhiễu nhương, đặt ra câu hỏi Phật giáo hưng thịnh có phải vì có nhiều chùa và đông chư tăng hay không?

Đường mây trong cõi mộng được GS. John Vu – Nguyên Phong và Hòa thượng Thích Hằng Đạt kỳ công biên tập từ ấn bản tiếng Anh A Buddhist Master In Dreamland của Charles Luk, là bản dịch từ cuốn Hám Sơn Đại sư Mộng du tập và cuốn Chan Master Han Shan’s Autobiography của Lu Kuan Yu (bản dịch từ cuốn Hám Sơn Lão nhân Tự sự Niên phổ), đồng thời khảo cứu nhiều tư liệu lịch sử quan trọng khác về tình hình Phật giáo và triều đại nhà Minh của Trung Quốc.

Xem xét với bối cảnh Phật giáo ngày nay, những bài học từ cuốn sách Đường mây trong cõi mộng dường như không mất đi mà càng có nhiều giá trị hơn nữa. Ước mong câu chuyện về cuộc đời hoằng pháp gian nan nhưng hào hùng của Đại sư Hám Sơn được thuật trong sách sẽ góp phần động viên tinh thần những người vẫn đang âm thầm góp công sức giữ mạch Chánh Pháp. Ước mong những lời khai thị giản dị nhưng sâu sắc của đại sư Hám Sơn sẽ giúp cho những người đang trăn trở trên đường tu tập tìm thấy lời giải đáp.


3. Đường mây trên đất hoa

Cuộc đời tu tập và hành đạo kéo dài suốt một trăm hai mươi năm của Hòa thượng Hư Vân không chỉ là tấm bản đồ chỉ dẫn cho những người muốn tu tập, mà còn là một bức tranh sống động mô tả rõ tình trạng của Phật giáo tại Trung Hoa cuối thế kỉ thứ mười chín. Ngoài giá trị về Phật học, nó còn mang giá trị rất lớn về mặt sử liệu, vì Hòa thượng Hư Vân ra đời vào lúc các nước đế quốc đang xâu xé Trung Hoa (1840) và ngài qua đời vào năm 1959, sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời (1949). Ngài đã chứng kiến năm triều đại nhà Mãn Thanh, Chiến tranh Nha phiến (1839-1842 và 1857-1860), Hòa ước Nam Kinh, Chiến tranh Thanh- Nhật (1894-1895), cuộc nổi dậy Thái Bình Thiên Quốc và Nghĩa Hòa Đoàn (1899-1901), Cách mạng Tân Hợi (1911) và Chiến tranh Trung – Nhật (1937-1945). Ngài đã trải qua những nội ưu ngoại hoạn của thời thành lập Trung Hoa Dân Quốc, cuộc chiến tranh Nam – Bắc và Ngũ Tứ vận động. Ngài đã chia sẻ những hổ đau kinh hoàng của dân chúng trong trận Thế chiến thứ nhất và thứ hai, cũng như cuộc tranh chấp giữa các phe phái quân phiệt và đảng phái.

14 Tác Phẩm Minh Triết Của Dịch Giả Nguyên Phong dường mấy trên dất hoa

Bất chấp mọi khó khăn trở ngại, tình hình chính trị xáo trộn, ngài vẫn ung dung hoằng pháp, xây dựng lại những tự viện, chùa chiền đổ nát vì chiến cuộc, chấn hưng Phật giáo, đào tạo Tăng tài, xây dựng lại căn nhà Pháp cho bền vững. Ngài đã xây cất hàng chục cảnh chùa, trùng tu hàng trăm tháp Tổ, dạy dỗ hàng ngàn tăng chúng và truyền giới cho hàng trăm ngàn người. Ngài không những đã đi khắp Trung Hoa hoằng dương Phật đạo mà còn qua cả Xiêm La, Tây Tạng, Ấn Độ, Nam Dương, Mã Lai, Miến Điện để làm Phật sự.

Trong suốt cuộc đời hành đạo, ngài luôn luôn khiêm tốn nhẫn nhục, chịu đựng mọi sự bất hạnh mà không một lời oán than, ngay cả khi bị hành hạ, tra tấn chết đi sống lại, ngài vẫn chỉ một lòng niệm Phật. Cuộc đời tu học của ngài là cả một công phu với những cố gắng phi thường. Tuy thăm viếng, học hỏi rất nhiều ở các bậc thiện tri thức nhưng ngài đã chứng đắc hoàn toàn nhờ vào những nỗ lực cá nhân. Ngài chứng nhất tâm khi thực hành tam bộ nhất bái, đạt kiến tánh khi chịu khổ nhục tại chùa Cao Mân. Nhờ ngài mà các truyền thống tu tập cổ xưa đã được khôi phục, đem lại một sinh khí mới cho Phật giáo Trung Hoa lúc đang ở trong tình trạng suy đồi.

Quyển Đường mây trên đất Hoa được chia làm ba phần, phần thứ nhất là do chính Hòa thượng Hư Vân kể lại đời mình cho các đệ tử ghi chép, phần hai là do các đệ tử của ngài ghi lại những sự việc xảy ra sau đó và phần thứ ba là lời giảng dạy của Hòa thượng trong hai khóa thiền nhất.


4. Dấu chân trên cát

“Dấu chân trên cát” là tác phẩm được dịch giả Nguyên Phong phóng tác kể về xã hội Ai Cập thế kỷ thứ XIV trước CN, qua lời kể của nhân vật chính – Sinuhe.
Ngày nay, người ta biết đến triều đại các vua chúa Ai Cập thời cổ qua sách vở của người Hy Lạp. Sở dĩ các sử gia Hy Lạp biết được các chi tiết này vì họ đã học hỏi từ người Ai Cập bị đày biệt xứ tên là Sinuhe. Đây là một nhân vật lạ lùng, đã có công mang văn minh Ai Cập truyền vào Hy Lạp khi quốc gia này còn ở tình trạng kém mở mang so với Ai Cập lúc đó.
Các sử gia ngày nay đã đưa ra nhiều giả thuyết về nhân vật Sinuhe này. Có người cho rằng ông là một lái buôn đến Hy Lạp lập nghiệp, nhưng làm sao lái buôn lại mở trường dạy học và để lại nhiều tài liệu quý giá như thế được?

Từ ngàn xưa, chỉ riêng giai cấp vua chúa là giáo sĩ mới được hưởng quy chế giáo dục toàn vẹn như vậy mà thôi.
Do đó, một số người cho rằng ông thuộc giai cấp giáo sĩ, nhưng việc một giáo sĩ Ai Cập đến mở trường dạy học tại Hy Lạp cũng là điều khó chấp nhận. Mặc dù khi đó văn minh Hy Lạp chưa tiến bộ như Ai Cập nhưng giáo xứ này phát triển rất mạnh, hiển nhiên các giáo sĩ Hy Lạp không thể chấp nhận cho một giáo sĩ ngoại quốc đến mở trường dạy học tại thánh địa Olympia của họ được.

14 Tác Phẩm Minh Triết Của Dịch Giả Nguyên Phong Dấu chân trên cát


Nếu thế thì phải chăng Sinuhe thuộc giai cấp hoàng tộc? Điều này xét ra cũng không có lý vì một người thuộc giai cấp hoàng tộc không thể bị đày biệt xứ. Luật pháp Ai Cập chủ trương xử tử những kẻ trong hoàng tộc nếu họ vi phạm một tội trọng nào đó chứ không có lệ bị đày biệt xứ, vì các vua Pharaoh rất sợ những người trong bọn họ chiêu binh mãi mã làm phản.
Việc một người Ai Cập, thân thế mơ hồ, bị đày biệt xứ, đến mở trường dạy học tại Athens, trung tâm văn hóa của Hy Lạp, vẫn là một bí mật đến nay các nhà khảo cổ chưa tìm ra được câu trả lời.
Mặc dù là tiểu thuyết lịch sử về xã hội Ai Cập cổ đại, song nhiều vấn đề được nêu ra trong tác phẩm vẫn có ý nghĩa thời sự trong thế giới ngày nay. Đó là lý do khiến cho tác phẩm không chỉ giữ được sự cuốn hút đối với bạn đọc Việt Nam và rất nhiều nơi trên thế giới trong hơn nửa thế kỷ qua.
Bạn sẽ không thể rời mắt khỏi những dòng văn viết với ý tứ sâu sắc của một người con xa quê hương: “Người Ai Cập có thành ngữ: “Kẻ nào đã uống nước sông Nile thì không thể nào uống nước ở đâu được nữa”. Quả thế tuy sống tại Hy Lạp nhưng không bao giờ tôi có thể quên được Ai Cập quê hương thân yêu của tôi.
Dường như những miền nào xây dựng trên mặt cát, chỉ huy hoàng trong một thời gian rất ngắn rồi tàn lụi, nhưng mấy ai chịu để ý đến điều ấy. Cũng như những vết dấu chân trên cát chỉ tồn tại một thoáng giây rồi phai mờ, huyền thoại về một người Ai Cập qua Hy Lạp mở trường dạy học, đào tạo nhiều thế hệ học trò xuất sắc chỉ còn là một câu chuyện mơ hồ trong cuộc sống ồn ào, náo nhiệt ngày nay.


5. Trở về từ xứ tuyết

Trở về từ xứ tuyết là cuốn sách tiếp theo trong bộ sách về văn hóa, tâm linh của dịch giả Nguyên Phong được First News xuất bản. Sau cuốn sách về cuộc hành trình “Đường mây qua xứ tuyết” các ngài đã được biết Tây Tạng là một xứ nằm ở vị trí hiểm trở, biệt lập với thế giới bên ngoài, nhờ thế nó duy trì được một nền văn minh cổ khác với những nền văn minh mà chúng ta được biết đến. Không một ai đặt chân vào Tây Tạng mà không chịu ảnh hưởng của nó, và không ai có thể chui rúc vào đời sống chật hẹp khi đã nhìn thấy sự bao la hùng vĩ của rặng Tuyết Sơn.

Trở về từ xứ tuyết sẽ tiếp nối cho cuộc hành trình đi đến Tuyết Sơn và từ Tuyết Sơn trở về. Đối với nơi đây, nhiều người cho rằng đó là nơi linh thiêng nhưng một số nguời lại cho rằng nơi đây lại là nơi hoang đường và không có thật. Nhưng cho dù thế nào đi nữa, thì các bậc hiền triết trên Tuyết Sơn đã minh chứng được điều đó và đã củng cố niềm tin tôn giáo một cách vững chắc hơn về những điều mà trước đó, tuy được học hỏi qua truyền thống phương Tây, nhưng không thực sự chứng nghiệm được.

14 Tác Phẩm Minh Triết Của Dịch Giả Nguyên Phong trở về từ xứ tuyết

Đã đến lúc chúng ta phải khôi phục lại nền tảng giá trị tâm linh bằng cách nghiên cứu các chân lý hằng có trong vũ trụ, phá vỡ các giáo điều thiển cận đang chia rẽ con người, và bổ túc cho sự bất toàn của khoa học để tránh cho nhân loại khỏi bước vào thảm trạng diệt vong của những trận chiến tranh, bạo động, thù hận đang bùng nổ khắp nơi trong thời buổi hiện nay.

Khép lại cuốn sách thật nhẹ nhàng và cho bạn đọc thấy được một điều rằng để được sống trong một thế giới tốt đẹp với một xã hội đầy biến động trong tương lai sắp đến, chúng ta cần tu sửa thân tâm ngay trong lúc này. Nếu tất cả mọi người cùng tu sửa và giúp đỡ nhau tiến bước thì đường đi đến thế giới tương lai đó sẽ là một lộ trình không xa.


6. Trở về từ Cõi Sáng

Trở Về Từ Cõi Sáng viết về đời sống sau khi chết. Nếu khi còn sống chúng ta biết và hiểu về sự chết thì chết không có gì là đáng sợ nữa. Những chuyện có thật trong Trở Về Từ Cõi Sáng do nhà văn Nguyên Phong biên soạn và dịch thuật sẽ hé mở cánh cửa huyền bí tiết lộ vài điều bí mật về bên kia cửa tử.

Trong thời gian gần đây, có rất nhiều sách viết về hiện tượng “người chết sống lại” kể chuyện thế giới bên kia (near death experiences) nhưng không cuốn nào gây sôi nổi bằng cuốn “Embraced By The Light” (tạm dịch: Trở về từ cõi sáng) của Betty Eadie.

14 Tác Phẩm Minh Triết Của Dịch Giả Nguyên Phong Trở về từ cõi sáng

Xuất bản lần đầu năm 1992, nó đã trở nên một “best seller” với số bản kỷ lục và dẫn đầu những cuốn sách bán chạy nhất Hoa Kỳ. Bắt đầu từ tháng 2 năm 1994, nó trở nên cuốn sách bán chạy nhất thế giới với mười tám ấn bản bằng các thứ tiếng khác nhau. Trong ấn bản đầu tại Âu châu, nhiều độc giả đã phải mua giá chợ đen vì nhà xuất bản in không kịp. Tại Nhật Bản, những người không muốn chờ đợi, đã xếp hàng để mua trước cửa nhà in, không đợi sách giao đến tiệm nữ Tại sao cuốn sách này lại bán chạy như vậy? Theo các nhà bình luận thì không những nội dung cuốn này phong phú hơn nhiều cuốn sách tương tự mà tác giả, bà Betty Eadie, đã kinh nghiệm được sự chết và kể lại những diễn tiến ở cõi bên kia, mà bà ta gọi là cõi sáng, một cách chi tiết rõ ràng. Sau khi cuốn sách xuất bản, tác giả đã được mời đi diễn thuyết khắp nơi, đâu đâu bà cũng thu hút được một cử tọa đông đảo chưa từng thấy. Nhiều đài phát thanh và truyền hình trên thế giới đã có chương trình phỏng vấn tác giả và thảo luận về hiện tượng “người chết sống lại”. Đây là một đề tài đang được bàn cãi rất sôi nổi, người tin kẻ ngờ, và có người đã chất vấn tác giả từng chi tiết một nhưng bà Eadie đã giải đáp được hầu hết thắc mắc của mọi người nên số người hâm mộ bà ngày càng nhiều.


7. Ngọc Sáng Trong Hoa Sen

Trong nửa thế kỷ qua, số người phương Tây thăm viếng phương Đông không phải là ít nhưng đã có mấy ai lĩnh hội được tinh hoa của phương Đông? Nếu có một thiểu số may mắn học hỏi được chút gì thì đã mấy người viết sách chia sẻ kinh nghiệm đó với chúng ta? Tất nhiên Lafcadio Hearn đã làm điều này, nhưng ông chỉ ghi nhận vài chi tiết huyền bí về châu Á. Alan Watts đi xa hơn trong việc tìm hiểu những giá trị tâm linh, nhưng ông cũng chỉ chú trọng về kỹ thuật và phương pháp chứ không đào sâu vào những phương diện khác. John Blofeld khác hẳn hai tác giả trên, ông không ghé thăm như một khách lạ mà sống hẳn ở đây gần trọn cuộc đời. Không những ông học hỏi và trải nghiệm nhiều, mà ông còn chia sẻ với chúng ta những vui buồn của kiếp người trong giai đoạn giao thời giữa Đông và Tây lúc đó.

14 Tác Phẩm Minh Triết Của Dịch Giả Nguyên Phong ngọc sáng trong sen

Ngọc sáng trong hoa sen là cuốn sách nói về cuộc du hành của ông tại châu Á. Cho đến nay, dù thời gian trôi qua, nhiều sự kiện đã thay đổi nhưng Ngọc sáng trong hoa sen vẫn là một trong những cuốn sách giá trị về phương Đông và thường được dùng làm tài liệu tham khảo trong các trường đại học.


8. Minh Triết trong đời sống

Trong thập niên vừa qua, tôi đã diễn thuyết khắp nơi về nhiều đề tài khác nhau như “Con đường chuyển hóa”, “Định hướng cho tương lai”, “Hạnh phúc và đau khổ”,… Thính giả của tôi gồm đủ mọi hạng người trong xã hội, giám đốc xí nghiệp, quản lý thương mại, giáo sư đại học, sinh viên, học sinh, quân nhân, công nhân, thợ thuyền… Sau buổi nói chuyện thường có phần thảo luận, một số người đã đặt những câu hỏi tương tự như sau:

  • Cuộc đời của tôi là một chuỗi đau khổ, bà có cách nào giúp tôi không?
  • Tại sao những bất hạnh lại xảy ra cho tôi? Tôi đã làm gì nên tội?
  • Tại sao lúc nào tôi cũng cảm thấy bất an, lo sợ?
  • Làm cách nào để một người bình thường như tôi có thể thoải mái trong đời sống hiện tại?
14 Tác Phẩm Minh Triết Của Dịch Giả Nguyên Phong Minh triết trong dời sống

Tôi quan niệm rằng: “Tâm hồn con người hiện nay đã trở nên quá máy móc, thụ động, không thể tự chữa cho nó bằng các lý luận thông thường. Nó cần phải được nâng lên một bình diện khác cao hơn để mở rộng ra, nhìn mọi sự qua một nhãn quang mới. Chỉ có áp dụng cách đó việc chữa trị mới mang lại kết quả tốt đẹp được”


9. Đường mây qua xứ tuyết

Đường Mây Qua Xứ Tuyết (“The Way of the White Clouds”) ghi lại những điều Anagarika Govinda chứng kiến trong thời gian du hành ở Tây Tạng. Hành trình của tác giả diễn ra vào khoảng thập niên 30 đến thập niên 50 của thế kỷtrước, trước thời kỳ diễn biến chính trị phức tạp dẫn đến sự sáp nhập vào lãnh thổ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa như hiện nay. Thời điểm đó, một phần phía tây của Tây Tạng bị xem như nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền thuộc địa Anh nên việc tác giả đi từ Sri Lanka sang Ấn Độ rồi thâm nhập phía tây Tây Tạng (tất cả đều là thuộc địa của Anh), giấy tờ thông hành đều do người Anh kiểm soát. Về phần sau của hành trình, tác giả đi sâu vào phần phía đông Tây Tạng vốn thuộc sự quản lý của chính quyền Lạt Ma tại Lhasa nên lại phải xin cấp thêm giấy thông hành từ chính quyền này.

14 Tác Phẩm Minh Triết Của Dịch Giả Nguyên Phong Dường mây qua xứ tuyết

Trên thực tế, từ thời cổ đại cho đến tận lúc bấy giờ, Tây Tạng vốn chỉ được xem như một vùng đất bí ẩn khép kín, một mắt xích trên con đường tơ lụa huyền thoại nên dù đã nhiều lần bị xâm chiếm, các chính quyền đô hộ tạm thời đều dần dà “bỏ rơi” vùng đất này; do đó, nơi đây được đứng đầu bởi cố vấn tinh thần là các đức Lạt Ma mà cao nhất là Đạt Lai Lạt Ma. Từ góc nhìn của người phương Tây, Tây Tạng được xem như một phần của vương quốc Ấn Độ (vốn bao gồm cảcác nước Pakistan, Nepal, Bhutan, Bangladesh,… ngày nay) do nơi đây chịu nhiều ảnh hưởng từ tín nguỡng và tôn giáoẤn Độ hơn từ phía Trung Hoa.

Những diễn biến chính trị từ thập niên 50 của thế kỷ trước trở về sau này, hẳn nhiên ít nhiều cũng có ảnh hưởng đến phong tục và đời sống tín ngưỡng của Tây Tạng. Song, nếu tìm hiểu và đặt tâm trí mình trở về với giai đoạn trước khinhững biến đổi phức tạp này diễn ra, người đọc sẽ cảm nhận rõ nét hơn về cái “Tự do”, sự uyên thâm và tính nguyên thủy của Phật giáo Tây Tạng mà tác giả Anagarika Govinda và dịch giả Nguyên Phong muốn truyền tải.


10. Hành trình về Phương Đông

Hành Trình Về Phương Đông mở ra một chân trời mới về Đông Tây gặp nhau, để khoa học Minh triết hội ngộ, để Hiện đại Cổ xưa giao duyên, để Đất Trời là một. Thế giới, vì vậy đã trở nên hài hòa hơn, rộng mở, diệu kỳ hơn và, do đó, nhân văn hơn.

Hành Trình Về Phương Đông kể về những trải nghiệm của một đoàn khoa học gồm các chuyên gia hàng đầu của Hội Khoa Học Hoàng Gia Anh được cử sang Ấn Độ nghiên cứu về huyền học và những khả năng siêu nhiên của con người. Suốt hai năm trời rong ruổi khắp các đền chùa Ấn Độ, chúng kiến nhiều pháp luật, nhiều cảnh mê tín dị đoan, thậm chí lừa đảo…của nhiều pháp sư, đạo sĩ…họ được tiếp xúc với những vị thế, họ được chứng kiến, trải nghiệm, hiểu biết sâu sắc về các khoa học cổ xưa và bí truyền của văn hóa Ấn Độ như Yoga, thiền định, thuật chiêm duyên, nghiệp báo, luật nhân quả, cõi sống và cõi chết….

14 Tác Phẩm Minh Triết Của Dịch Giả Nguyên Phong HTVPD

Đúng lúc một cuộc đối thoại cởi mở và chân thành đang sắp diễn ra với các đạo sĩ bậc thầy, thì đoàn nhận được tối hậu thu từ chính quyền Anh Quốc là phải ngừng ngay việc nghiên cứu, tức khắc hồi hương và bị buộc phải im lặng, không được phát ngôn về bất cứ điều gì mà họ đã chứng nghiệm. Sau cùng ba nhà khoa học trong đoàn đã chấp nhận bỏ lại tất cả sau lưng, ở lại Ấn Độ tiếp tục nghiên cứu và cuối cùng trở thành tu sĩ. Trong số đó có giáo sư Salding- tác giả hồi ký đặc biệt này.

11. Bên rặng Tuyết Sơn

Bên Rặng Tuyết Sơn là quyển sách mới trong bộ sách khoa học tâm linh nổi tiếng của dịch giả Nguyên Phong. Khơi nguồn từ vùng núi Himalaya xa xôi và vùng đồng bằng Ấn Độ, Bên Rặng Tuyết Sơn mang đến cho bạn đọc những sự thật vĩ đại về tâm linh và vai trò của việc làm chủ tâm linh cũng như làm chủ số phận. Tác phẩm còn khơi dậy những giá trị cao đẹp như: Tính trung thực, trái tim bao dung, lòng trắc ẩn, sự thông thái, lòng tín ngưỡng và tình yêu bao la.

14 Tác Phẩm Minh Triết Của Dịch Giả Nguyên Phong Bêểnặng tuyết sơn

Câu chuyện bắt đầu từ việc Satyakam đến thung lũng Saraswati để tầm sư học đạo. Nhưng không ngờ rằng, khi đến đây, thì vị đạo sư già đã chờ anh rồi, không những thế, ông còn nói đúng tên anh và biết anh đến gặp ông để làm gì dù rằng anh chưa hề xưng tên cũng như chưa nói mục đích của mình đến đây.

Dài học đầu tiên của Satyakam là quên đi thời gian. Việc này nghe qua tưởng chừng như đơn giản nhưng khi bắt đầu thực hiện lại không đơn giản chút nào. Cũng như việc lắng nghe những âm thanh của vũ trụ như tiếng lá rơi, tiếng gió thổi, tiếng nước reo cũng không dễ dàng thực hiện nếu trong lòng ta vẫn còn nhiều tạp âm. Chúng ta sẽ được trải nghiệm những giây phút bình yên thông qua chuyến hành trình đi tìm chân lý của Satyakam dưới sự hướng dẫn của vị đạo sư trong dãy núi Tuyết Sơn để hiểu rõ hơn về sức mạnh vĩnh hằng của thế giới tâm linh cũng như khám phá chính tiếng nói nội tâm của bản thân mình.


12. Hoa sen trên tuyết

Trên nền câu chuyện cuộc đời của nhân vật có thật, triệu phú Alan Havey, Hoa sen trên tuyết gieo vào độc giả nhiều điều phải nghĩ. Xuất thân từ một gia đình nghèo ở Mỹ và hiểu rõ giá trị của đồng tiền. Alan Havey đã nỗ lực rất nhiều để làm việc, học tập và đạt được những thành công nhất định: biệt thự lộng lẫy bên bờ Michigan, căn nhà nghỉ mát trên núi Mt Vernon, du thuyền, tài khoản kếch xù trong ngân hàng và một cô vợ đẹp như diễn viên điện ảnh… Cuộc sống đầy đủ cứ thế diễn ra cho tới khi những biến cố lần lượt đến trong cuộc đời: ông phát hiện bị ung thư; một số khoản đầu tư bị thua lỗ và sự nghiệp của ông có chiều hướng đi xuống. Và, người vợ – cũng là niềm tự hào của ông với mọi người đòi ly hôn để chia tài sản…

Tại sao ông lại phải gánh chịu những việc như vậy trong khi ông đã dành phần lớn thời gian, công sức của mình để làm việc và nỗ lực? Ông để vợ ông có cuộc sống tốt nhất nhưng cuối cùng ông vẫn bị bỏ rơi với hàng loạt cáo buộc? Thực sự, sống tốt, sống lành là tốt hay không? Câu trả lời rằm ở hành trình ông rời bỏ những bế tắc, theo lời khuyên của một người bạn, để thực hiện một chuyến du lịch “không mục đích” đến Dharamsala – nơi Đức Đạt Lai Lạt Ma và hàng chục nghìn người Tây Tạng đang tị nạn. Cả cuốn sách là những ghi chép tỉ mỉ về hành trình của ông, những người ông gặp để từ đó, mang đến lời giải đáp cho câu hỏi của chung rất nhiều người: “Ý nghĩa của cuộc sống này là gì?”.

14 Tác Phẩm Minh Triết Của Dịch Giả Nguyên Phong hoa sen trên tuyết

Không trung thành với nguyên tác, với sự am hiểu sâu sắc về văn hoá Đông phương, thông tuệ triết lý nhà Phật, giáo sư John Vũ – Nguyên Phong phóng tác lại Hoa sen trên tuyết khá thành công. Bằng lối kể gần gũi, chân tình để những trải nghiệm và cảm xúc của Alan Havey, người đã từng đứng ở đỉnh cao trong nấc thang địa vị cuộc đời được truyền tải, chạm đến hầu hết người đọc. Bất kỳ ai cũng sẽ tìm thấy bản thân mình ở một khía cạnh nào đó qua lời kể của Allan.

Đọc Hoa sen trên tuyết độc giả cũng sẽ hiểu thêm về đời sống nơi văn hóa tâm linh đang diễn ra ở vùng tuyết sơn Tây Tạng. Suốt hành trình của vị triệu phú, câu thần chú Om Mani Padme Hum xuất hiện hàng nghìn lần, ở khắp mọi nơi và đi sâu vào đời sống của người dân Tây Tạng. Om Mani Padme Hum là câu thần chú linh thiêng nhất của người Tây Tạng và nó có nghĩa là “Hoa sen trên tuyết”. Người Tây Tạng tin rằng, gió sẽ giúp họ lan truyền điều tốt đẹp, linh thiêng đến mọi nơi, muôn loài. Vì vậy họ khắc nó trên đá, trên gỗ, dệt trên vải… và cầu nguyện ngay cả khi đang đi trên đường hay ngoài chợ…

Xuất hiện câu thần chú này nhiều lần trong tập sách, có lẽ, người kể chuyện, Alan Havey, những mong, những tốt lành này cũng sẽ đến với mọi người. Sách do First News thực hiện – NXB Tổng hợp ấn hành.


13. Huyền thuật và các đạo sĩ Tây Tạng

Hành trình 12 năm trong đất Phật huyền bí 

Gần 100 năm kể từ ngày ra mắt, Mystyquet et Magiciens du Tibet, cuốn sách vang dội châu Âu của nữ tác giả người Pháp Alexandra David – Neel, mới có dịp đến tay bạn đọc Việt Nam với tên gọi Huyền thuật và các đạo sĩ Tây Tạng. Cuốn sách là một thiên phóng sự đáng kinh ngạc của tác giả trong hành trình xuyên qua vùng đất Tây Tạng để khám phá các huyền thuật của đạo sĩ nơi đây. 

Với ý định tiếp kiến Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 13 đang lánh nạn tại Ấn Độ (vì xung đột chính trị với triều đại Mãn Thanh), Alexandra David – Neel không ngờ các bí mật về huyền thuật Tây Tạng lẫn lời chỉ dẫn sâu xa của những vị đạo sư đã dẫn bà đi xa hơn dự định ban đầu của mình. Sau 12 năm rong ruổi khắp Tây Tạng, Alexandra đã để lại tập sách Huyền thuật và các đạo sĩ Tây Tạng như một công trình nghiên cứu quan trọng về vùng đất đầy bí ẩn này.

Trước khi cuốn sách của Alexandra ra đời, huyền thuật Tây Tạng hoặc chỉ được biết đến như những câu chuyện hư ảo về phù phép, bùa chú hoặc bị những nhà nghiên cứu Phật học chính thống ở phương Tây xem là mê tín dị đoan. Tác giả Alexandra David – Neel chính là người phụ nữ ngoại quốc đầu tiên với kiến thức Phật học của mình đã đặt chân đến Tây Tạng để tận mắt chứng kiến và ghi chép những hiện tượng kì bí. 

14 Tác Phẩm Minh Triết Của Dịch Giả Nguyên Phong huyền thuật và dạo sĩ tây tạng

“Người ta không thể giải thích vì sao Tây Tạng lại có sức hấp dẫn kỳ lạ như vậy nếu họ không đặt chân đến đây, nếu họ không trầm mình vào bầu không khí trang nghiêm tĩnh lặng, nếu họ không biết lắng nghe những âm thanh mơ hồ trong gió, hay nhìn thấy những hình ảnh kỳ lạ chập chờn trong sương mù, hư hư thực thực.” – Lời Alexandra trong tập sách.

Nữ tác giả Alexandra David – Neel đã nỗ lực lý giải những hiện tượng siêu nhiên của huyền thuật Tây Tạng dưới con mắt quan sát nhạy bén và kiến thức thu nhặt được trong hành trình của mình. Xuyên suốt tập sách, tác giả đã kể lại những câu chuyện về bí thuật của các đạo sĩ Tây Tạng, phương pháp tu tập – thiền định của họ và cả những truyền thuyết bà được nghe kể dọc chặng đường. 

Dù trước khi lên đường chu du Tây Tạng, Alexandra là một học giả nổi tiếng về Phật giáo nhưng dường như mỗi một câu chuyện về các đạo sĩ hay truyền thống tu tập của họ đều trở nên lạ lẫm đối với bà. Rõ ràng, Tây Tạng, một vùng đất huyền diệu, đã khiến Alexandra không thể lý giải những gì xảy ra theo logic, ngôn ngữ của một người nghiên cứu hay ít nhất là của một người phương Tây. 

Với lối trần thuật đậm chất phóng sự du ký, những trang sách của Alexandra không chỉ mở ra cho các độc giả phương Tây đầu thế kỉ 20 cái nhìn rõ nét hơn về Tây Tạng mà còn giúp các nhà nghiên cứu có thêm tư liệu để khảo cứu về năng lực con người. Mặc cho đã trải qua 100 năm kể từ lần đầu xuất bản, cuốn sách vẫn đem đến người đọc sự bất ngờ về Tây Tạng, bởi cho đến tận ngày nay, khi thế giới trở nên rộng mở hơn bao giờ hết thì những câu chuyện huyền bí ấy vẫn cứ mờ ảo như dãy núi Hi Mã Lạp Sơn quanh năm tuyết phủ.

Có thể xem Huyền thuật và các đạo sĩ Tây Tạng có giá trị tựa cuốn du kí phương Đông danh tiếng của nhà phiêu lưu Marco Polo. Bên cạnh hành trình về huyền thuật Tây Tạng, cuốn sách của Alexandra David – Neel còn là những ghi chép thú vị liên quan đến các sự kiện lịch sử ở nơi này như việc mô tả chuỗi ngày lánh nạn ở Ấn Độ của Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 13 hay những cải cách tôn giáo đột phá của vua Sidkeong Namgyal xứ Sikkim.

Những nhân vật gắn liền với cuộc hành trình của Alexandra có người ẩn danh, vô danh nhưng cũng có người quyết định vận mệnh của cả một đất nước rộng lớn. Cũng chính vì vậy, Huyền thuật và các đạo sĩ Tây Tạng đã tạo nên một cảm hứng mạnh mẽ ở người xem về vùng đất Tây Tạng với bao thăng trầm chứ không đơn thuần chỉ là những truyền thuyết hư ảo được phủ một lớp mầu nhiệm lấp lánh nào đó.


14. Hoa trôi trên sóng nước

Hoa Trôi Trên Sóng Nước là cuốn sách nói về cuộc hành trình tìm đạo đầy gian khổ kéo dài hơn 40 năm của tác giả. Khi tạp chí Phật học Kyosho vừa khởi động loạt hồi ký này vào năm 1956, nó đã được các độc giả, nhất là độc giả phái nữ, say mê theo dõi. Lòng nhiệt thành và quyết tâm tìm đạo của bà là một tấm gương sáng cho tất cả những ai muốn bước chân vào cửa đạo. Ngoài ra, sự chứng đắc của bà đã đánh đổ quan niệm cổ hủ cho rằng chỉ có phái nam mới có thể thành công trên con đường tu học mà thôi.

14 Tác Phẩm Minh Triết Của Dịch Giả Nguyên Phong Ảnh chụp Màn hình 2021 05 27 lúc 11.20.59 SA

Nguồn: sachvui.co

Tin tức liên quan
Vui lòng đăng nhập để bình luận