Rate this post

Từ nhỏ tôi đã được tiếp xúc với Phật giáo chút chút do thi thoảng được theo bà lên chùa nghe đọc kinh. Chính vì vậy dù là người không theo tôn giáo nào nhưng để có thiện cảm tự nhiên thì tôi luôn dành cho Phật giáo một tình cảm ưu ái hơn tất thảy các tôn giáo khác trên thế gian này.

Tuy nhiên càng lớn thì tôi thấy rằng mặc dù Phật giáo cũng có những quan điểm rất đúng, gần gũi và dễ dàng để cho tôi chiêm nghiệm cũng như hành động theo; nhưng dạo gần đây có dịp tìm hiểu sâu hơn thì tôi nghĩ rằng đã đến lúc mình nên có những nhìn nhận khác về một vài quan điểm của Phật giáo. Bởi trong xã hội ngày nay, điều đó không còn phù hợp nữa rồi. Đó là việc tôi muốn thay đổi khái niệm NGHIỆP thành BÀI HỌC:

“Phật giáo cho rằng có luân hồi nhân quả, con người của kiếp này sống như nào là do NGHIỆP quả và PHÚC ĐỨC từ các kiếp trước mà tạo thành. Vì thế những trớ trêu, khổ đau của kiếp này là phần NGHIỆP mà mình đang phải gánh trả cho quá khứ xa xưa. Mặc dù có thể là đúng nhưng nghe sao thật nặng nề và miễn cưỡng bởi nó có gì đó hơi tiêu cực. Do đó thay vì tin rằng con người phải trải qua nhiều kiếp sống khác nhau để trả NGHIỆP thì tôi nghiêng về giả thuyết có một Thế giới linh hồn đang tồn tại.

Trong thế giới linh hồn có nhiều linh hồn với các cấp bậc khác nhau từ sơ sinh, niên thiếu, trưởng thành đến linh hồn già mà người ta hay gọi là old soul… Các linh hồn thường lựa chọn những kiếp sống ở Trái đất này để học được những BÀI HỌC cần học.

Tại sao linh hồn lại phải học những BÀI HỌC, thực ra linh hồn học để nâng cấp chính mình như học sinh mỗi kỳ thi lên lớp. Qua mỗi BÀI HỌC, mỗi kỳ thi và mỗi trải nghiệm đều lớn lên và trưởng thành hơn. Và dĩ nhiên ai qua được thì lên lớp và ai không qua sẽ phải học lại để rút ra bài học thực sự mà mình phải học (Đó là lý do tại sao có những người sinh ra đã bị bệnh hay cuộc đời khổ ải đến tận lúc qua đời…)

Trước khi hóa thân thành kiếp người ở Trái đất, mỗi linh hồn chúng ta sẽ tự lựa chọn và lập trình cuộc đời mình qua những bài học có cấp độ khác nhau tùy theo nhận thức và mong muốn của mỗi người, dĩ nhiên bài học càng khó thì kết quả cuối cùng nhận lại càng lớn, càng ý nghĩa.

Vì thế những BÀI HỌC trong cuộc sống ở kiếp này chính là lựa chọn từ trước khi hóa thân thành chúng ta của các linh hồn. Đó là một sự chủ động để trải nghiệm nên việc của chúng ta là phải sống thật trọn vẹn, thật hết mình cho kiếp sống này để học được BÀI HỌC cần học”.

Chính vì quan điểm này nên tôi cho rằng nếu như NGHIỆP quả là điều gì đó bị động thì BÀI HỌC tự nó đã mang đến một cảm nhận chủ động hơn cho mỗi chúng ta. Chúng ta chủ động chọn học những BÀI HỌC này thay vì phải chịu gánh NGHIỆP, như vậy nghe cũng đỡ có cảm giác cam chịu và bị bắt ép đi rất nhiều.

minh hoa tu van bao giac ngo 4106 Đừng nói NGHIỆP nữa, mình gọi là BÀI HỌC được không?
Nguồn: Ảnh Internet

Nếu như NGHIỆP quả mang đến cảm giác bi ai, nặng nề và có gì đó không mấy tích cực thì BÀI HỌC lại mang đến cảm giác nhẹ nhàng hơn. Vì dù xấu dù tốt thì cái cuối cùng mà chúng ta nhận lại được là những chiêm nghiệm rút ra từ BÀI HỌC, và BÀI HỌC bao giờ cũng đáng quý đáng trân trọng hơn cả.

Bên cạnh đó nếu theo quy luật hấp dẫn thì cái gì chúng ta tin và hành động như nó đã xảy ra rồi thì nó sẽ đến với chúng ta theo nhiều cách. Vì vậy nếu cứ mãi chìm đắm và cho rằng đó là NGHIỆP thì sẽ có tư tưởng tất cả những gì gọi là NGHIỆP sẽ đeo bám chúng ta. Nhưng nếu ta cho rằng đó là BÀI HỌC thì chúng ta cũng sẽ chủ động học những BÀI HỌC đến với mình. Ở góc này thì BÀI HỌC mang hàm ý tích cực còn NGHIỆP thì là một điều gì đó chưa được tích cực cho lắm.

Và theo lẽ dĩ nhiên, khi trong tất cả mọi chuyện chúng ta không còn nhìn mọi thứ theo hướng NGHIỆP để mà hằn học, mà bất lực nữa để rồi chuyển sang việc chủ động với BÀI HỌC sẽ giúp chúng ta nhiệt huyết hơn, lòng phơi phới an nhiên hơn rất rất nhiều vì ta có cơ hội biến bài học trở nên tốt hơn.

Bạn thấy đó, dù bạn là ai thì cũng luôn muốn chủ động trong cuộc đời mình và chủ động viết nên hành trình của riêng mình trong cuộc sống. Nhưng thực ra vốn dĩ chúng ta đã viết ra nó từ rất lâu rồi đó, và giờ đây chỉ còn là việc thay đổi quan niệm và góc nhìn một chút thôi thì mọi sự sẽ tuyệt vời hơn rất nhiều.

Nếu bây giờ bạn đang cho rằng NGHIỆP của mình kiếp này sao mà nặng nề thế thì có thể đổi góc nhìn như tôi, chuyển những điều như chưa mong đợi thành khái niệm BÀI HỌC. Tôi tin rằng nó không chỉ giúp mình chủ động học những BÀI HỌC mới với tâm thế mới mà còn giúp mình trải nghiệm cuộc sống này một cách tích cực hơn rất nhiều. Vì thế bây giờ thay vì nói NGHIỆP, mình gọi là BÀI HỌC được không?

Nguồn: Sachvui.vn

1 những suy nghĩ trên “Đừng nói NGHIỆP nữa, mình gọi là BÀI HỌC được không?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *