Rate this post
Sach-vui-kinh-dich-ung-dung-trong-kinh-doanh-thieu-vu

Lời giới thiệu

Tôi gặp Thiệu Vũ lần đầu tiên vào cuối năm 2007. Không thể không thừa nhận một điều rằng, Thiệu Vũ là một nhà nghiên cứu luôn cầu tiến và có tinh thần phấn đấu ít ai sánh kịp. Trong khoảng thời gian gần bốn năm, việc tìm tòi và nghiên cứu của Thiệu Vũ đã trải qua mấy lần lột xác, từ nghiên cứu “thuật” quản lý ban đầu đến tư tưởng quản lý phương Tây và cuối cùng Thiệu Vũ đã chọn đi theo con đường nghiên cứu văn hóa truyền thống Trung Quốc. Trong khoảng thời gian này, với nghị lực và tốc độ kinh người, Thiệu Vũ đã cho ra đời mấy chục tác phẩm chuyên ngành nghiên cứu, thể hiện sức sáng tác đến khó tin. Khi rất nhiều người vẫn còn đang say sưa trò chuyện về khái niệm “Sức mạnh quản lý và điều hành” do Thiệu Vũ đưa ra năm 2008, Thiệu Vũ đã sớm đi vào nghiên cứu vấn đề mới. Dường như, qua sự cố gắng của bản thân mình, Thiệu Vũ mong muốn các nhà quản lý doanh nghiệp trở thành người “quân tử”. Tất nhiên sau khi đọc xong Luận Ngữ ứng dụng trong kinh doanh và Kinh Dịch ứng dụng trong kinh doanh, chúng ta sẽ phát hiện ra rằng, từ trong sâu thẳm trái tim mình, tác giả hy vọng không chỉ người quản lý mà mỗi một nhân viên đều có thể trở thành quân tử. Nếu quả thực là như vậy thì xã hội của chúng ta sẽ tốt đẹp biết nhường nào!

Là một tập đoàn giáo dục đào tạo hàng đầu tại Trung Quốc, Quần Phong đã có bốn năm tổ chức các lớp học thuật truyền thống. Trong bốn năm, chúng tôi đã được tiếp xúc với rất nhiều chuyên gia, học giả về lĩnh vực nghiên cứu học thuật truyền thống Trung Hoa, trong đó một số còn là những cây đại thụ ở Trung Quốc, thậm chí là cả những người đức cao vọng trọng. Những lớp học thuật truyền thống do chúng tôi tổ chức nhận được sự hoan nghênh của rất nhiều học viên, nhưng bên cạnh đó, các học viên cũng đưa ra một số vấn đề, trong đó vấn đề quan trọng nhất và cũng hay gặp nhất chính là: Làm thế nào để có thể dễ học, dễ hiểu và dễ vận dụng kiến thức quản lý trong học thuật truyền thống?

Chính vì vấn đề này, chúng tôi cùng với các giảng viên trong lĩnh vực học thuật truyền thống đã tiến hành trao đổi rất nhiều, nhưng cho đến nay vẫn chưa có được phương án giải quyết xác đáng. Nhưng vấn đề dường như đã được giải quyết khi Thiệu Vũ đưa ra Luận Ngữ – Nhật kí của nhà quản lý và Chu Dịch – Nhật kí của nhà quản lý. Với hình thức nhật kí đơn giản, dễ hiểu, hai cuốn sách này đã thuật lại những kiến thức quản lý trong Luận Ngữ và Kinh Dịch, đồng thời kết hợp với thực tế vận hành của doanh nghiệp để đưa ra kim chỉ nam thiết thực cho từng hành động. Tôi không thể nào dự đoán được sức mạnh to lớn mà hai cuốn sách này có thể tạo ra nhưng có một điểm có thể khẳng định là, hai cuốn sách này đã mang đến một góc nhìn mới cho lĩnh vực nghiên cứu quản lý học thuật truyền thống của Trung Quốc. Điều quan trọng nhất là, chúng thực sự là một cuộc thử nghiệm đầy mạnh dạn, dễ học, dễ vận dụng về tri thức quản lý học thuật truyền thống.

Không dừng lại ở đấy, Thiệu Vũ giữ thái độ kính trọng, thậm chí là bảo thủ, tiếp tục đọc và giải đáp Luận Ngữ và Kinh Dịch, và xuất bản thêm Luận Ngữ ứng dụng trong kinh doanh và Kinh Dịch ứng dụng trong kinh doanh. Lật mở từng trang của hai cuốn sách này, các bạn nhất định sẽ có cảm giác nhẹ nhàng, khoan khoái, bạn chưa hề nghĩ rằng quản lý trong học thuật truyền thống lại được viết ra gần gũi, dễ hiểu đến thế. Ở đó bạn không hề thấy bất kì hơi thở nào mang âm hưởng nghiên cứu Nho giáo, càng không hề thấy chỗ nào khó hiểu cả. Đáng quý hơn là, bạn sẽ thấy mỗi một điểm trong quyển sách này đều liên quan mật thiết đến công việc của bản thân mình. Mỗi một quan điểm, mỗi một kiến giải trong đó đều giúp chúng ta thoát ra khỏi khó khăn và cản trở để trưởng thành trong công việc, và tất nhiên, Thiệu Vũ sẽ bảo với bạn rằng: “Tất cả đều được giải đáp trong Luận Ngữ và Kinh Dịch”.

Thiệu Vũ có tám từ để tự đánh giá về hai tác phẩm mới này của mình là: “Sâu sắc, dễ hiểu, dễ học, dễ dùng”. Tôi chỉ tiện tay viết ra mấy dòng này, để làm đề mục mà thôi.

Cách đây không lâu, Thiệu Vũ lại tiếp tục nghiên cứu Luận Ngữ và Kinh Dịch. Lần này Thiệu Vũ lại có được cảm nhận gì khác biệt nữa đây, tôi rất mong chờ…

Hoa Mẫn Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn giáo dục Quần Phong, Giang Tô

Lời của Ban Biên tập 

Kinh Dịch là một trước tác kinh điển lâu đời nhất, kết tinh trí tuệ của văn hóa Trung Hoa cổ đại. Kinh Dịch phát hiện tính qui luật và phương pháp nhận thức, dự đoán, xử lý sự vật, và với ý nghĩa phương pháp luận này, nó có ảnh hưởng quan trọng đối với nhiều lĩnh vực như triết học, khoa học xã hội, văn hóa nghệ thuật… của Trung Quốc từ xưa đến nay. Cuốn sách Kinh Dịch ứng dụng trong kinh doanh là một ví dụ thực tế, kết quả của việc phân tích và vận dụng Kinh Dịch vào đời sống xã hội hiện đại.

Tuy nhiên, với độc giả Việt Nam hiện nay, không phải ai cũng từng tiếp cận với Kinh Dịch để từ đó hiểu và áp dụng được những lời khuyên trong cuốn sách này. Vì vậy, mở đầu mỗi quẻ trong sách, chúng tôi đặt lời của Ban Biên tập (viết tắt là Lời của BBT) để giới thiệu về ý nghĩa khái quát của mỗi quẻ, ví dụ quẻ Càn, với mong muốn bạn đọc có được khái niệm chung trước khi lật giở những trang phân tích về Kinh Dịch tiếp theo.

Lời nói đầu Kinh Dịch – Cuốn sách chỉ đạo nhân sinh

Nghiên cứu Kinh Dịch nhiều năm, điều làm tôi nhớ nhất không phải là những vấn đề mà mọi người hay đề cập đến như “Tiềm long vật dụng”, “Kháng long hữu hối”, “Tự cường bất tin”, “Hậu đức tải vật”… mà là một câu nói “Tác dịch giả, kỳ hữu ưu hoạn hồ?” (Những người viết ra Kinh Dịch, liệu họ có nhận thức đến ưu phiền, buồn đau không?)

Câu hỏi này đã khiến tôi phải suy nghĩ rất lâu: Cuối cùng thì trong Kinh Dịch chứa đựng những nhận thức gì về ưu phiền, buồn đau? Những người viết ra Kinh Dịch hy vọng thông qua tác phẩm này, để nói điều gì với chúng ta?

Các câu hỏi này sẽ được làm sáng rõ trong quá trình viết và hoàn thiện các tác phẩm của tôi là Kinh Dịch – Nhật kí của nhà quản lý và Kinh Dịch và quản lý. Trên thực tế, Kinh Dịch là cuốn sách chỉ đạo nhân sinh. Trong quá trình trưởng thành của nhân sinh, ai đọc hiểu được Kinh Dịch thì người đó sẽ tránh được hàng loạt những sai lầm và thuận lợi để bước đi trên con đường của thành công.

Cũng từ đây tôi hiểu được vì sao Khổng Tử đã phải than rằng: “Gia ngã số niên, ngũ thập dĩ học ‘Dịch’, khả nhĩ vô đại quá nại.” (Nếu cho tôi sống thêm vài năm nữa, thì cho dù 50 tuổi học Kinh Dịch cũng không phải là sai lầm.)

Vậy thì, Kinh Dịch làm thế nào để chỉ đạo chúng ta đây? Vấn đề này cần phải được trả lời từ hai phương diện:

Thứ nhất, xét về vĩ mô. Kinh Dịch dạy chúng ta ba điều: Một là, bất kỳ ai trên con đường nhân sinh và sự nghiệp đều phải phụ thuộc vào biến hóa của ngoại cảnh, từ đó không ngừng điều chỉnh bản thân. Điều này Kinh Dịch có giải thích đến “biến dịch”, cũng có nghĩa là khi thời điểm thuận lợi, nếu không có bất lợi gì thì mới có thể giữ vững lập trường không đổi. Hai là, trong quá trình trưởng thành và phát triển của nhân sinh và sự nghiệp, chúng ta cũng phải bắt buộc tuân thủ một số nguyên tắc và quan niệm, những nguyên tắc và quan niệm này không thể xem nhẹ mà dễ dàng thay đổi. Điều này Kinh Dịch có đề cập đến là “bất dịch”. Bởi vì, đến khi đánh mất nguyên tắc cơ bản của đạo làm người, có nghĩa là chúng ta đánh mất đi chính mình, điều đó cũng có nghĩa là chúng ta không thể có được thành công. Ba là, cho dù có phải đối mặt với bao nhiêu vấn đề phức tạp đi chăng nữa thì chúng ta cũng nên vận dụng những phương pháp nhẹ nhàng, đơn giản để xử lý vấn đề, điều này Kinh Dịch có đề cập đến là “giản dịch”. Giản lược hóa những vấn đề phức tạp là một kiểu trí tuệ, mà Kinh Dịch là một trong số đó.

Thứ hai, xét về vi mô. Những nội dung mà Kinh Dịch chỉ đạo chúng ta rất phong phú, từ việc xây dựng cuộc sống đến việc sắp đặt công việc hàng ngày. Như chúng ta đã biết, Kinh Dịch có 64 quẻ, mỗi quẻ có sáu hào [1] , tổng cộng có 384 hào. 384 hào này rất quan trọng, bởi chúng giải thích 384 tình thế mà chúng ta dễ dàng bắt gặp trong cuộc sống hàng ngày. Cùng với việc xem xét những tình thế này, Kinh Dịch còn đưa ra những phương án giải quyết bổ ích cho chúng ta. Đương nhiên, ở phần trên tôi đã phân tích, những người viết Kinh Dịch đã có nhận thức về những ưu phiền, lo âu nên trong mỗi hào, họ đều nhắc nhở và cảnh báo chúng ta.

Khi tỉ mỉ tìm hiểu từng hào, đó cũng là lúc chúng ta cảm nhận sâu sắc những tâm huyết và vất vả của những người viết Kinh Dịch. Đọc hiểu được Kinh Dịch cũng có nghĩa là chúng ta đã mở được một cánh cửa dẫn tới thành công. Bởi lẽ, Kinh Dịch được xem là bộ từ điển thành công, bạn có thể tìm thấy bất kỳ đáp án nào mà bạn muốn, nhưng để được như vậy, trước tiên bạn phải có thái độ tích cực tìm hiểu những bí ẩn diệu kỳ trong đó. 

Những lời khuyên hữu ích trong Kinh Dịch rất nhiều, 384 hào có nghĩa là có 384 lời khuyên hữu ích. Từ đó tôi đã chọn ra 38 lời khuyên đặc sắc nhất để viết ra Kinh Dịch ứng dụng trong kinh doanh. Đó là những lời khuyên đặc biệt gần gũi với công việc kinh doanh của bạn, thậm chí có thể nói, nếu bạn áp dụng những lời khuyên này, bạn sẽ đạt được thành công trong kinh doanh.

Đến nay, tôi vẫn đang vận dụng những “phép tắc” và tiếp thu những lời khuyên của Kinh Dịch. Đương nhiên tôi càng hy vọng sẽ có thể đồng hành với nhiều người quan tâm tìm hiểu, cùng họ bước trên con đường thành công. 

Ngày 9/6/2010 

Thiệu Vũ

Nguồn: Sachvui.com