Rate this post

Đã hơn 50 năm trôi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, nhưng tấm gương, di sản mà Người để lại cho hậu thế vẫn trường tồn với thời gian. Ngày nay, trong bối cảnh đất nước đang đổi mới và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng,… thì việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác nói chung, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác trong lĩnh vực giáo dục nói riêng lại càng đặt ra bức thiết.

Tháng 6 về, xin được sưu tầm và gửi tới các thầy cô một số lời dạy của Người về giáo dục.

Ngày 09/6/1953

​“Muốn tiến bộ mãi thì phải học tập. Học trong sách báo, học trong công tác, học với anh em, học hỏi quần chúng. Học để phát triển ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm.”

Là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài nói tại buổi bế mạc lớp chỉnh huấn cán bộ Đảng, dân, chính các cơ quan Trung ương, ngày 09 tháng 6 năm 1953. Đây là thời điểm cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược bước vào giai đoạn có tính chất quyết định. Lời dạy trên của Bác đã nêu rõ vai trò, tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác chỉnh huấn đối với các cơ quan Trung ương; nhắc nhở đội ngũ cán bộ các cơ quan Đảng, dân, chính muốn tiến bộ hơn nữa thì cần phải tích cực học tập, không những học trong sách vở mà còn phải học trong công tác, học ở đồng chí, đồng đội và đặc biệt phải học hỏi quần chúng nhân dân để phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm của bản thân. Muốn đạt được mục đích như Bác hồ dạy, đội ngũ cán bộ phải nghiêm túc, thường xuyên thực hiện tự phê bình và phê bình trong cơ quan và trước quần chúng nhân dân.

Hiện nay, đất nước ta đang đẩy mạnh công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, lời dạy của Bác vẫn giữ nguyên giá trị, là tư tưởng chỉ đạo, phương châm hành động cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta xây dựng một xã hội học tập, thực hiện có hiệu quả việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, phát triển toàn diện con người Việt Nam, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Ngày 22/6/1947

​“Tri thức là vốn liếng quý báu của dân tộc.”

Đây là nội dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời câu hỏi phỏng vấn của một phóng viên nước ngoài: “Sau khi chiến tranh kết liễu thì chương trình kiến thiết của Việt Nam sẽ thế nào? Địa vị người tri thức Việt Nam sẽ thế nào”, vào ngày 22 tháng 6 năm 1947.

Câu nói “Tri thức là vốn liếng quý báu của dân tộc” đã thể hiện rõ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta đối với đội ngũ trí thức Việt Nam và vai trò của trí thức đối việc củng cố và bảo vệ chính quyền; đồng thời, còn thể hiện tư tưởng chỉ đạo, phát huy vai trò quan trọng, địa vị và sự đóng góp cần thiết của đội ngũ trí thức với công cuộc kiến thiết nước nhà. Thực hiện tư tưởng của Bác, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đội ngũ trí thức nước ta đã có nhiều đóng góp tích cực trong sự nghiệp kiến quốc, giải phóng dân tộc, cũng như trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, tạo thành khối liên minh bền vững giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức, lực lượng nòng cốt của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ngày nay, thực hiện sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; lời Bác dạy có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, tiếp tục được Đảng, nhà nước ta nghiên cứu vận dụng sáng tạo làm cơ sở cho xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, lấy liên minh giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức làm nòng cốt. Xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam có phẩm chất chính trị vững vàng, có đạo đức cách mạng trong sáng, giỏi về chuyên môn, giàu về năng lực, hiểu biết sâu sắc trên từng lĩnh vực đời sống xã hội, đóng góp tài năng và sức lực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngày 28/6/1966

“Phải mật thiết liên hệ với gia đình học trò. Bởi vì giáo dục trong nhà trường, chỉ là một phần, còn cần có sự giáo dục ngoài xã hội và trong gia đình để giúp cho việc giáo dục trong nhà trường tốt hơn. Giáo dục trong nhà trường dù tốt mấy nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn.”

Là nội dung huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài nói chuyện tại Hội nghị cán bộ Đảng ngành giáo dục, họp tháng 6 năm 1957.

Theo Bác, trong giáo dục cần làm cho học sinh biết yêu Tổ quốc, thương đồng bào, yêu lao động, biết vệ sinh, giữ kỷ luật, học văn hóa. Đồng thời phải giữ cho học sinh luôn được vui vẻ, hoạt bát, tự nhiên, trẻ trung của tuổi thơ, được hưởng quyền dân chủ, được vui chơi và học hành tiến bộ, mang lại cho trẻ em niềm hạnh phúc khi được sống cùng cha mẹ. Để làm được điều đó, giáo dục gia đình giữ vai trò rất quan trọng.

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ về tầm quan trọng của gia đình, Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn đánh giá cao vị trí, vai trò của gia đình đối với sự phát triển bền vững của đất nước, luôn xác định gia đình là tế bào của xã hội. Ngày 28 tháng 6 năm 2000, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 55-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg, chọn ngày 28 tháng 6 hằng năm là Ngày Gia đình Việt Nam, nhằm đề cao trách nhiệm của các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Ngày Gia đình Việt Nam là dấu mốc quan trọng để những con người đất Việt hướng về cội nguồn, về những người thân yêu, qua đó nuôi dưỡng tình cảm đẹp, những giá trị văn hóa cao quý của dân tộc. Cho dù có đi đâu, làm gì, gia đình vẫn là nơi để nhớ, để yêu thương và để quay về.