Rate this post

“Có tài đến cỡ nào mà không nhận biết được ngũ thường của con người thì kiểu gì  rồi cũng bị đẩy xuống địa ngục”

Tôi đọc Akutagawa Ryunosuke khi tâm trạng cứ dần trôi về trạng thái muốn đóng với thế giới, những dòng đầu tiên của dịch giả Hoàng Long: “Sống nhiều khi không bằng chết, nhưng phải nghiến răng đi tiếp, chưa chắc đã vì hai chữ ngày mai”, tôi thầm cảm ơn rằng sự lựa chọn ngẫu nhiên đã luôn kéo phận đời nhỏ bé của tôi ra khỏi đầm lầy tuyệt vọng đúng thời điểm như thế.

Cuộc đời một kẻ ngốc do Dtbooks phát hành là tuyển tập truyện ngắn của Akutagawa Ryunosuke, nhưng chỉ là một phần rất nhỏ trong sự nghiệp văn chương ngắn ngủi của ông. 13 năm trong văn đàn, ông dành cái nhìn từ phía đối diện với cuộc sống của cõi người để phân tích, nghiền ngẫm rồi mổ xẻ phần tăm tối nhất của loài người. Viết đến đây tôi chợt nhớ đến người nhạc sĩ tài hoa bạc mệnh Trịnh Công Sơn với câu: “Có những ngày tuyệt vọng cùng cực, tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau.

Từ buổi con người sống quá rẻ rúng, tôi biết rằng vinh quang chỉ là điều dối trá. Tôi không còn gì để chiêm bái ngoài nỗi tuyệt vọng và lòng bao dung. Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa”. À, hoá ra những con người đó họ cùng đi qua tuyệt vọng cùng cực với cuộc đời, đi qua cái rẻ rúng giữa người với người, và họ chọn thứ âm thanh êm ái từ ngôn từ để bao dung cho cái tuyệt vọng đó.

Xem thêm: Review Từ Tốt Đến Vĩ Đại – Jim Collins

Cuộc dời một kẻ ngốc Review Cuộc đời một kẻ ngốc

09 truyện ngắn trong tuyển tập Cuộc đời một kẻ ngốc là những câu chuyện dựa trên tích cũ, nhưng Akutagawa Ryunosuke đặt nhân vật vào hệ quy chiếu khác. Tôi gặp lại câu chuyện Kappa trong một xã hội song song với loài người, nhưng ở đó ý thức đạt đến độ tuyệt đối, khi chỉ bằng lời cáo buộc cũng đủ khiến lương tâm chấp nhận tội ác; thế nhưng xã hội đó cũng không tránh khỏi sự tồn tại của niềm tin tôn giáo, ràng buộc gia đình; và cú bẻ lái với bệnh nhân tâm thần như câu hỏi lớn rằng đâu là sự thật, chúng ta là kẻ điên giữa cuộc đời hay cuộc đời này vốn điên sẵn để không ai nhận ra ai bình thường.

Có thể bạn quan tâm: 15 tựa sách xuất sắc được trao Giải Sách Hay 2020

Tôi đi qua câu chuyện về cậu bé trong quả đào Momotaro nhưng không còn chính nghĩa, không còn sự vui vẻ đi đánh lũ quỷ; tác giả xây dựng một bầy quỷ vẻ ngoài xấu xí nhưng chẳng làm gì; và chỉ vì bề ngoài mà một quả đào do ác điểu thả rớt xuống sông, nhất quyết tiêu diệt cho bằng được; đâu đó cuộc sống vẫn thế, người ta dễ nhân danh thánh thần và lòng yêu nước để làm hại đến những thứ người ta nghĩ là xấu xí.

Hoặc quay về với Lã sinh môn, Cái mũi và đặc biệt truyện Địa ngục; tác giả vẽ ra những hình ảnh đen tối trong lòng mỗi con người. Cái thứ xấu xí nó ăn sâu từ vẻ ngoài đến tính cách và kéo cả vào hành động. Sự rẻ rúng trong quan hệ giữa người – người khiến khi sư thầy mất “cái mũi” thì người ta lại săm soi, chỉ trỏ, và rằng người ta luôn ghen tị với hạnh phúc và chỉ mong để cười vào nỗi đau của người khác.

Hay quan hệ cha-con sâu đậm đến đâu cũng không thắng được kẻ tử vì nghệ thuật, cái nghệ thuật vị nghệ thuật chứ không còn chút gì nghĩ đến nhân sinh, khi thái quá cũng khiến người ta rợn tóc gáy. Tôi ám ảnh ghê gớm với bức tranh Địa ngục biến tướng đồ, với cảnh cỗ xe bốc cháy với thân hình thiếu nữ tóc đen và cảnh Yoshihide với “ánh mắt hắn dường như không còn lưu lại hình bóng của đứa con gái vừa chết trong khốn cùng đau khổ nữa”.

Thế nhưng, Akutagawa Ruynosuke không chỉ đưa người đọc đến những ẩn dụ, hoán đổi cốt chuyện cũ tích xưa. Ngay từ đầu khi đọc Nước dòng sông lớn hay Cuộc đời một kẻ ngốc, lối dùng từ dung dị của ông, cái mang mác mà ông khéo léo đưa vào từng câu chữ khiến nỗi buồn đẹp dịu dàng biết mấy. Tôi chợt hiểu con người ấy vì sao quyên sinh khi chỉ mới 35 tuổi. Bởi cái nhìn về đời của ông không phải cái buồn có thể thấy hay biểu thị, giống như ông bị nỗi buồn – nỗi tuyệt vọng ăn mòn dần qua từng năm sống trên cõi tạm.

Gợi ý: Top 10 trang web đọc sách online miễn phí hay nhất

Và cảm giác đau nhói trong tim khi đọc đoạn văn ông viết ngay đầu tác phẩm Nước dòng sông lớn tôi nghĩ không nhiều người làm được như ông: “Nhưng mỗi lần ngắm nhìn dòng nước đó từ xưa, tôi đã thấy được một sự vỗ về mà tịch liêu khó giãi bày, tưởng như nước mắt mình chực tuôn rơi. Cảm giác như tâm hồn đã bay bổng sang một miền đất khác của ký ức và hồi tưởng thân thương, hoàn toàn lìa xa khỏi chốn thế tục mình đang sống.”

Tôi mất 3 ngày không thể đọc cuốn nào khác bởi thứ cảm giác u uất mà Akutagawa Ryunosuke mang lại, cái cảm giác như cuộc đời mình đi vào bế tắc trong sự hoan hỉ, và rằng hoá ra tôi không cô đơn trong sự suy nghĩ về cõi người, cuộc đời và lối sống. Tôi thèm được như ông, viết lên những câu chuyện từ sự tuyệt vọng của kiếp người. Tôi thèm được nói những điều chân thật như cách ông viết rằng “Hình như sự thật của ai cũng là sự thật đúng – theo lăng kính của họ, và không có một sự thật nào chính thức cho một câu chuyện cả.”

Ấy thế nhưng tôi biết thứ cô đơn buồn bã của tôi cũng quá nhỏ nhoi, tôi vẫn là người mạnh mẽ, yêu cuộc đời qua lăng kính màu hồng và chưa thể cảm được cái rẻ rúng trong quan hệ giữa người với người, thành ra câu chữ tôi dùng, cách tôi cảm nhận về sự tuyệt vọng mà ông viết cũng chỉ như “Thiên ngôn vạn ngữ như tàng ẩn hàng ngàn lưỡi dao, chàng lại chỉ có một thanh kiếm mỏng manh làm gậy chống cho chính mình.”

Chợt nhận ra văn chương Nhật Bản luôn khiến kẻ u tối hoặc chìm sâu vào hố đen, hoặc thấy ánh sáng trong cái đường hầm cô độc ấy. Và may thay, tôi vẫn luôn tin rằng :”tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa”

Tác giả: Quang Minh