5/5 - (1 bình chọn)

Định nghĩa: “phù phiếm”

Tính Từ: viển vông, không có nội dung thiết thực, không có giá trị thực tế.

Câu chuyện phù phiếm.

Lối văn chương phù phiếm.

Từ Điển Tiếng Việt

Khi thử tìm kiếm những bài viết bàn về bộ phim Blue Jasmine (2013) của đạo diễn Woody Allen đến từ các tác giả người Việt Nam; thật sự tôi đã vô cùng bất ngờ trước những tiêu đề như sau:

  • Blue Jasmine – màu xanh lạnh lẽo của sự phù phiếm
  • Blue Jasmine – điệu waltz buồn của Woody Allen
  • Blue Jasmine – tột cùng của sự phù phiếm
  • Blue Jasmine – khi nhung lụa rơi xuống bùn lầy

Tạm bỏ qua chuyện các bài viết này đều đã ra đời cách đây hơn 6 năm (thời điểm bộ phim công chiếu và giành được nhiều giải thưởng danh giá, cũng như một lần nữa xáo xào lại những scandal đời tư “nhơ nhớp” của Woody); thì việc chúng đều có một hướng tiếp cận phần nào mang tính mỉa mai / xót thương / tiêu cực, dường như đã phác họa nhờ nhờ trong tâm trí tôi cách nền văn hóa – nghệ thuật của một nước phát triển như Việt Nam, phản ứng ra sao trước câu chuyện “bi hài kịch giới thượng lưu” made in Hollywood.

Với tôi, cách nền văn hóa – nghệ thuật Việt Nam bàn về Blue Jasmine (2013), cũng chẳng khác gì phản ứng của những nhân vật phụ trong bộ phim trước hoàn cảnh nhân vật chính Jeanette “Jasmine” Francis:

“tất cả cái mớ bòng bong này, đều là những thứ vẽ vời ra để tự làm khổ mà thôi”

Và thế là Blue Jasmine (2013) lại một lần nữa “hóa điên”, cứ thế đứng trơ ra giữa đường mà gào thét lên những điều trong tâm trí mình.

…….

Nếu Blue Jasmine (2013) do một đạo diễn khác làm đạo diễn, tôi đoán mình sẽ tắt trong khoảng 20 phút đầu phim.

Ôi từ cái giây phút Cate Blanchet xuất hiện trên màn ảnh, lộng lẫy trong bộ quần áo đắt tiền, điệu bộ ngắt quẵng, luôn miệng ném những lời thoại vô nghĩa vào thinh không; tôi biết sẽ chẳng có điều gì tốt đẹp sẽ đến với cô cả. Tôi đã xem đủ nhiều phim, để biết về Jasmine, về nỗi đau trong đời cô, về định kiến mà những người xung quanh gán ghép lên một người phụ nữ “phù phiếm”; trước cả khi những ký ức “huy hoàng – cay đắng” lần lượt xuất hiện – đan xen vào mạch chính của câu chuyện.

Tôi biết, vì người da trắng giàu có ở nước Mỹ lên phim chỉ có hai loại.

Đau khổ vì có tất cả & Đau khổ vì đã mất tất cả.

Họ không thể chạy trốn khỏi cái định mệnh đã được đặt sẵn ấy, dù là ở New York hay San Francisco.

Và thật ra ở vị trí người xem, chúng ta chẳng có quyền gì để thương xót, ghét bỏ hay mỉa mai tình cảnh Jasmine đang gặp phải. Cùng lắm, hãy cười vì thi thoảng chúng ta lại thấy chính bản thân trong câu chuyện ấy, dù là từ góc nhìn của Jasmine hay của những người xung quanh cô.

…….

Nội dung phim kể ra thì cũng khá tào lao, từ lừa đảo, ngoại tình, thù hận … cho đến chuyện về những mối quan hệ nhảm nhí được tô vẽ và nuôi sống bằng ảo tưởng cũng như sự mù mờ về giá trị bản thân người trong cuộc. Quá khứ & hiện tại cứ thế đan xen, bổ sung và hoàn thiện một bức tranh châm biếm, thổi phồng đến cực đại những khiếm khuyết xấu xí mà các nhân vật của chúng ta cố gắng giấu nhẹm.

Cảm giác khi xem Blue Jasmine (2013) cũng chẳng khác lúc chúng ta bước vào một căn phòng toàn những tấm gương méo mó. Những hình ảnh tương phản khôi hài cứ thế nối tiếp nhau, giữa Jasmine và Ginger – cô em gái không cùng huyết thống, giữa Ginger và Chilli – gã bạn trai tầm thường tối dạ; giữa những tuyến nhân vật vợ – chồng, mẹ – con, bạn bè … chúng đều mong manh, chực chờ vỡ vụn khi chẳng thể chịu nổi một sức ép dù là nhỏ nhoi.

Có hai phân cảnh trong Blue Jasmine (2013) khiến tôi sởn da gà, không phải vì ghê sợ mà là vì giật mình. Đầu tiên là khoảnh khắc gặp gỡ của Jasmine và Dwight – tấm vé vàng để cô thoát khỏi cuộc sống kinh khủng thực tại, lần thứ hai là khi anh đưa cô về nhà. Chúng đều đẹp và duyên đến ngộp thở, ngọt ngào tựa như một mối tình chân lý. Khán giả thèm muốn, nhưng đồng thời cũng ngầm hiểu đấy chẳng phải là thứ có thật.

Vậy thì tại sao chúng ta lại có thể mỉa mai bộ phim này, hay gọi bất cứ nhân vật nào, tình tiết nào của nó là “phù phiếm”. Giàu sang và nghèo khó dù khác biệt rõ ràng như trắng và đen, nhưng thật ra cũng chỉ là cái vỏ bao bọc lấy những vấn đề chung. Tại sao một người phụ nữ (đã từng) giàu có như Jasmine khi rơi xuống đáy và không còn gì để bám víu, lại phải nghe theo những lời khuyên của những kẻ chưa bao giờ sống cuộc đời như cô? Trong khi đó, nếu cô bộc lộ những suy nghĩ “hiển nhiên” của bản thân, thì tất thảy mọi người (thậm chí là cả khán giả), đều phần nào cảm thấy nó thật lố bịch?

Tác phẩm điện ảnh hay, đôi khi chẳng cần phải đưa ra một câu trả lời, một kết luận chính xác về vấn đề mà nó đặt ra. Và người xem, cũng không nên cố làm thay đạo diễn việc đó.

…….

Thẳng thắn ra mà nói, Woody Allen chưa bao giờ làm phim cho công chúng.

Ông ta quá tự phụ để viết những câu chuyện mà ai cũng có thể luồn lách đủ sâu, bước qua những lớp lang màu mè duyên dáng, để đi vào cái cốt lõi thật sự bên trong.

Hiểu theo cách khác: Woody cố tình đẩy những ai không hiểu hay không có bất cứ khái niệm gì về những mâu thuẫn trong cuộc sống tri thức thượng lưu New York, ra khỏi nhóm khán giả yêu thích phim của mình.

“Gớm, làm gì mà hợm hĩnh thế, không xem phim của ông ta thì xem phim người khác, thiếu gì phim hay để xem.”

Hẳn nhiều người sẽ đi đến kết luận ấy. Tôi nghĩ đó là một phản ứng rất hợp lý.

Bản thân tôi có thấy “tự hào”, “hãnh diện” khi xem phim Woody Allen mà thấy thích, thấy hay? Thật lòng thì không.

Vì tôi biết Woody đơn giản là muốn “được yêu”, “được hiểu” bởi những kẻ mà ông ta cho là xứng đáng. Cái tôi và thói suy nghĩ gần như “ái kỷ” của ông, được thể hiện rõ ràng qua từng tác phẩm văn học & điện ảnh. Woody biết rõ & thực hành thuần thục tất cả các công thức, để quyến rũ những kẻ như tôi cuốn vào câu chuyện bì hài do ông nhào nặn.

Ông tạo ra những tuyến nhân vật dày đặc, chồng chéo lên nhau và đảm bảo tất cả đều phải đáng nhớ, dù đó chỉ là một người phụ nữ xui xẻo ngồi cạnh nghe Jasmine độc thoại trong suốt chuyến bay dài, hay một bệnh nhân nha khoa không thể quyết định được ngày hẹn tái khám.

Cũng vì lẽ đó, tôi luôn ngầm phản đối những luận điểm cho rằng Cate Blanchet cùng diễn xuất tuyệt vời của cô – khi vào vai một nhân vật với nội tâm phức tạp cùng vấn đề sức khỏe tâm lý nghiêm trọng – là điểm nhấn của bộ phim, vì xét cho cùng nó sẽ chẳng đáng nhớ đến thế, nếu thiếu đi những câu chuyện rất Woody Allen.

Và trái với những bộ phim nổi tiếng khác của ông như Manhattan (1979) hay Crimes and Misdemeanors (1989), thì Blue Jasmine (2013) dù cũng chỉ là một phương tiện để Woody thể hiện cái tôi và những vấn đề của chính cá nhân ông, nó đã đi xa hơn với dám đặt ra câu hỏi tối quan trọng:

“Vậy rút cục, ta là ai, khi ta chẳng còn ai?”

…….

P/s: Với tôi, không có sự lựa chọn nào tuyệt vời hơn những bộ phim kinh điển của Woody Allen, để xem trong lúc Sài Gòn đang ở giữa một đợt giãn cách xã hội vì dịch bệnh chưa biết điểm dừng như thế này.

Đơn giản vì chúng rất hài và rất đời.

Cùng với rất nhiều Jazz.

…….

Trailer: