Rate this post

Những mảnh ghép cảm xúc là bộ phim hoạt hình 3D được sản xuất bởi hãng phim Pixar và phát hành bởi Walt Disney Pictures. Bộ phim được xây dựng trên ý tưởng ban đầu của Pete Docter – một đạo diễn, họa sĩ hoạt hình, biên kịch, nhà sản xuất và diễn viên lồng tiếng người Mỹ, đạo diễn của bộ phim cùng đạo diễn Ronnie del Carmen và nhà sản xuất Jonas Rivera. Bộ phim là những tình huống xoay quanh cuộc sống của cô bé Riley Anderson – 11 tuổi và những hoạt động trong bộ não của cô bé – một thế giới tưởng tượng, một thế giới rất hoạt hình. Bộ phim đã đoạt giải Oscar danh giá cho hạng mục phim hoạt hình hay nhất năm 2015. Điều gì đặc biệt ở Inside out khiến nó được yêu thích và đánh giá cao như vậy? Cá nhân tôi cho rằng, bộ phim là một tác phẩm rất thành công, cả về hình thức lẫn nội dung. Inside out không những là bộ phim hoạt hình dành cho trẻ em mà cả người lớn vẫn có thể rút ra được thông điệp sâu sắc ẩn chứa trong nó.

Nhân Vật Trong Phim

Bộ phim được xây dựng theo motip 2 câu chuyện diễn ra song song, một ngoài đời thực – Riley và những sự kiện diễn ra từ nhỏ đến khi cô bé 11 tuổi và một ở trong bộ não của cô. Trung tâm bộ não được điều khiển bởi 5 nhân vật đại diện cho 5 cảm xúc cốt lõi của con người bao gồm: Vui Vẻ (Joy), Buồn Bã (Sadness), Sợ hãi (Fear), Tức Giận (Anger) và Chán Ghét (Disgust). Joy đúng như cái tên của cô, cùng với màu vàng năng động, như mặt trời nhỏ tỏa năng lượng cho các đồng nghiệp của mình, chăm chỉ và rất tích cực. Ngược lại, Sadness mang màu xanh da trời (trong tiếng Anh, màu xanh da trời là Blue, nó còn mang nghĩa là nỗi buồn) ảm đạm, cùng cặp kính cận to đùng và thần thái lúc nào cũng ủ rũ. Cô làm cho khán giả không khỏi thắc mắc liệu cô có làm được gì cho chủ nhân không khi lúc nào cũng tỏ ra mình không có chút sinh khí. Anger đúng với cái tên khi mang màu đỏ thể hiện tính khí nóng nảy, bộc trực, càu nhàu, manh động của mình. Fear có trách nhiệm đảm bảo cho Riley được an toàn, anh ta tất nhiên luôn luôn sợ hãi, luôn luôn lo lắng, thất thường, phi lí trí và nghĩ đến thảm họa đầu tiên, màu tím là màu của anh ta. Và cuối cùng là Disgust xanh lá, bảo thủ, luôn dò xét người khác. Mặt khác, yếu tố kĩ thuật đồ họa ở trong phim rất thông minh và ấn tượng. Joy luôn luôn tích cực, năng động nên cô có một khuôn mặt thật tròn và đôi mắt to lanh lợi. Sadness buồn tới mức chả muốn làm gì nên béo ú. Anger nóng nảy lùn tịt. Fear luôn sợ hãi nên ốm nhách và Disgust nhỏ thó với ánh mắt lườm nguýt không thôi. Để giàn dựng bộ phim thật thành công, biên kịch đã phải nhờ đến các chuyên gia về tâm lý giúp đỡ, đó là bước đi thiết thực và chính xác. Bộ 5 cảm xúc đã sống, tồn tại cùng Riley, giúp Riley hình thành tính cách của mình. Bên cạnh đó, nhân vật Riley là cô bé tuổi đang lớn, vui vẻ, hoạt bát, thích khúc côn cầu, nhạy cảm đúng với lứa tuổi 11. Bố mẹ cô là những người chăm chỉ, bận rộn thế nhưng họ vẫn cố gắng dành thời gian để chăm sóc, bảo bọc cô. Đó là một gia đình rất hạnh phúc ở Minnesota cho đến khi gia đình Riley phải chuyển đến San Francisco.

[Bookademy] Review Phim “Inside Out”: Mọi Cảm Xúc Của Con Người Đều Có Ý Nghĩa Của Nó, Kể Cả Nỗi Buồn - YBOX

Ngoài ra còn có các nhân vật phụ khác như bạn thân của Riley, người bạn tưởng tượng Bing Bong… Họ đều mang trong mình màu sắc riêng, góp phần giúp bộ phim hoàn hảo và ý nghĩa. Trong tuyến nhân vật trên, có lẽ với tôi hay với đại đa số mọi người thì Joy chính là nhân vật được yêu thích nhất. Joy và Sadness được xây dựng là một trong những nhân vật cốt lõi của bộ phim, bên cạnh cô bé Riley. Joy như là lãnh đạo của bộ 5 cảm xúc, hay nói chính xác hơn theo thông điệp bộ phim mà tôi hiểu, thì Joy chính là cảm xúc chính của cô bé Riley – một cô bé hạnh phúc, năng động và yêu đời.

Bước Ngoặt Đầu Đời Của Riley

Sống hạnh phúc cùng bố mẹ và bạn thân ở Minnesota, đột nhiên phải chuyển nhà tới thành phố xa lạ, Riley được bố mẹ an ủi và vẽ ra những cảnh tượng tươi đẹp trước mắt khi chuyển tới nơi ở mới. Riley hi vọng bao nhiêu thì thất vọng bấy nhiêu. Dường như căn nhà mà họ chuyển tới còn thua căn nhà ở Minnesota. Thành phố mới, nhà mới (là một căn nhà cũ ở phố), chưa có bạn bè… mọi thứ đều lạ lẫm với cô bé tuổi đang lớn như Riley. Lúc này đây em cần được nhận lời an ủi, động viên từ bố mẹ rất nhiều. Đây là tâm lý hiển nhiên của một con người, khi mà ta đã quá thân thuộc với một nơi nào đó, nó như máu mủ của mình. Khi chúng ta phải rời đi, ta đau buồn và mất mát, điều đó không thể nào tránh khỏi. Hơn nữa, tới một môi trường không có chút quen thuộc, ta lo lắng là đúng, huống chi là một đứa bé 11 tuổi, hiển nhiên em sẽ thấy sợ hãi.

Diễn biến ở trong não của Riley cũng căng thẳng không kém khi Joy ngày càng bất lực và khó chịu với nỗi tuyệt vọng và tiêu cực thường trực của Sadness. Joy không tìm được giá trị nào của Sadness có thể mang đến cho chủ nhân. Sợ Sadness sẽ làm ảnh hưởng đến chủ nhân vào ngày quan trọng của cô – ngày Riley đến trường mới, bắt đầu cuộc sống mới, ra mắt bạn bè, thầy cô mới, Joy đã vẽ một vòng tròn trong thư viện của bộ não để Sadness ngồi trong đó, như thế mọi kí ức, bất cứ khía cạnh nào của bộ não mới được an toàn khỏi màu xanh dương buồn bã. Chu đáo là thế, Joy vẫn không thể giúp chủ nhân vượt qua thử thách này, còn cùng Sadness bị đẩy ra khỏi trung tâm não bộ từ một vòi hút kí ức. Fear, Anger và Disgust bất đắc dĩ phải thay Joy điều hành cảm xúc của Riley, và các bạn có thể tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra rồi đúng không? Joy có hơi thái quá trong việc bảo vệ chủ nhân không? Vì việc bảo vệ thái quá đó mà Sadness bị tổn thương không? Lúc này đây mọi người đều có thể hiểu cho hành động của Joy, vì Sadness quá đỗi bi quan, Joy không thể để một cô bé 11 tuổi bị sự bi quan lấn lướt mọi cảm xúc, nó đặc biệt ảnh hưởng đến các đảo tính cách khó khăn lắm mọi người mới gây dựng được cho Riley. Xem bộ phim tới đoạn này, tôi thích và ngưỡng mộ Joy bao nhiêu thì chán ghét Sadness bấy nhiêu, khuôn mặt ủ rủ và dáng người ù lì của Sadness thật khó ưa và một chút nào đó làm tôi cảm thấy bất lực.

[Bookademy] Review Phim “Inside Out”: Mọi Cảm Xúc Của Con Người Đều Có Ý Nghĩa Của Nó, Kể Cả Nỗi Buồn - YBOX

Mâu Thuẫn Gay Gắt

Thất bại trong buổi ra mắt lớp mới, bị bạn bè trêu chọc, bạn thân ở Minnesota có bạn mới, chơi khúc côn cầu không còn giỏi nữa… áp lực ngày càng lớn dần, lớn dần trong tâm trí của Riley, khiến em ngày càng khó chịu. Lúc bấy giờ em thật sự cần có một vòng tay yêu thương, chở che, an ủi từ gia đình. Vậy mà bố mẹ bận trăm công nghìn việc, không để ý tới sự ức chế trong lòng em. Không ai khác, mẹ em là người nhận biết đầu tiên về sự thay đổi trong tính cách của con. Không còn nụ cười vui vẻ thường trực trên môi nữa mà thường xuyên xuất hiện cái nhíu mày, thái độ vùng vằng không nghe lời. Thật không may mắn, người cha lại không hề để ý, thậm chí còn làm cho mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn. Nhớ lại khoảnh khắc đứng trên lớp học để giới thiệu bản thân, Riley chỉ luôn nhớ đến quê nhà, nhớ người bạn thân, thậm chí không thể nhớ đến bất cứ kí ức vui vẻ nào, em bật khóc trước cả lớp, quả cầu kí ức màu xanh dương – kí ức buồn trở thành một kí ức cốt lõi… Em muốn quay trở lại căn nhà xưa cũ, muốn trở về Minnesota yêu dấu và em quyết định sẽ đi một mình bằng số tiền lấy cắp từ ví tiền của mẹ. Lúc này đây, ta có thể thấy được sự thờ ơ ảnh hưởng như thế nào đến tâm trạng con người – nhất là đối với trẻ nhỏ, đây là một bài học rút ra cho các vị phụ huynh. Chỉ cần để ý một chút thôi, quan tâm một chút cảm giác của những người xung quanh, đặc biệt là người thân, ta sẽ có một cuộc sống viên mãn hơn.

Tính cách thất thường của Riley đã phần nào thể hiện tình hình trung tâm đầu não bây giờ, khi mà cả Anger, Fear và Disgust đảm nhiệm. Hiển nhiên với cái tính nóng nảy, manh động của mình, Anger là nhân tố giúp Riley đưa ra quyết định liều lĩnh: một mình trở về quê nhà. Đây là một chi tiết thông minh, Tức Giận, Sợ Hãi và Chán Ghét chèo lái não bộ của một đứa trẻ, chúng ta đã có thể đoán được đứa trẻ đó có vấn đề gì về tâm lý, một đứa trẻ trầm cảm.

[Bookademy] Review Phim “Inside Out”: Mọi Cảm Xúc Của Con Người Đều Có Ý Nghĩa Của Nó, Kể Cả Nỗi Buồn - YBOX

Ở một diễn biến khác, Joy và Sadness đưa khán giả đi qua những cuộc phiêu lưu được sắp đặt khôn khéo từ mê cung lưu trữ bất tận của Ký Ức Dài Hạn, vùng đất Tưởng Tượng điên rồ, Tư duy Tổng Hợp… Khi mọi nỗ lực trở về đầu não đi vào ngõ cụt, họ gặp lại Bing Bong, người bạn tưởng tượng lúc nhỏ của Riley, một con vật với khuôn mặt voi, đuôi mèo và cơ thể mềm mại như kẹo bông. Khán giả phải xuýt xoa vì sự đáng yêu, đầu óc trong sáng, non nớt và một ít sáng tạo trong tâm trí của cô bé Riley. Ngu ngốc, khờ dại, vô tư, ngây thơ và trẻ con nhưng Bing Bong đã vô tình giúp Joy và Sadness nhận ra được tiềm năng, giá trị của họ. Chứng kiến cảnh tượng Sadness có thể giúp Bing Bong khuây khỏa sự đau khổ – cái mà Joy đã cố gắng nhiều lần nhưng không làm được, Joy biết mình đã sai lầm. Joy đã sai khi cho rằng Sadness không có giá trị nào trong quá trình hoàn thiện nhân cách của Riley, sai khi nghĩ rằng mọi hoàn cảnh chỉ cần lạc quan và vui vẻ một cách gượng gạo thì có thể qua. Chúng ta không cần vui vẻ mọi lúc. Chúng ta vẫn ổn thôi nếu chúng ta buồn rầu. Buồn rầu sẽ giúp cho ta nhận ra giá trị của những giây phút hạnh phúc, buồn rầu giúp chúng ta cứng cáp để đối mặt với những cảm xúc mới trong tương lai. Cảm xúc cũng có cảm xúc của nó. Sadness đã có lúc tự trách mình hủy hoại sự vui vẻ của chủ nhân và đã buồn lại càng buồn. Tuy nhiên, nỗi buồn cũng có giá trị của nó. Và giờ đây, khi biết được sai lầm của mình, Joy càng quyết tâm trở về đầu não. Nhờ sự giúp đỡ hết mình của Bing Bong, Joy thoát ra khỏi vực Quên Lãng để tiếp tục cứu chủ nhân. Đổi lại, Bing Bong ở lại đó mãi mãi, một sự thật đau lòng rằng có một lúc nào đó, một kí ức từng gắn bó thân thiết với ta bị ta đưa vào dĩ vãng, và từ từ biến mất. Tôi đã khóc khi xem đến cảnh ấy, và tôi tin cũng có nhiều khán giả cũng như tôi. Sự ra đi của Bing Bong giúp ta – những con người trưởng thành nhớ lại kí ức xưa cũ, nhớ lại khoảng thời gian còn non nớt, ngây thơ của mình. Và chắc hẳn bất cứ ai cũng có ít nhất một đôi lần muốn có một tấm vé đi tuổi thơ. Cuối cùng, nhờ sự thông minh, linh hoạt của mình, Joy đã thành công cùng Sadness trở lại đầu não. Họ có thành công giúp Riley trở lại là chính mình hay không?

Đã Đến Lúc Hãy Để Nỗi Buồn Phát Huy Tác Dụng Của Nó

Riley đã ăn cắp tiền của mẹ để bắt một chuyến xe về quê ngay trong đêm. Em đã suy nghĩ, day dứt, dằn vặt rất nhiều suốt chặng đường tới bến xe. Thế nhưng đến cuối cùng, lúc xe lăn bánh cũng là lúc em nhận ra mình không thể rời bỏ gia đình lúc này. Riley quay trở lại căn nhà, nơi mà bố mẹ đang quay quắt, rối rít vì nhận ra em đã bỏ đi. Bấy giờ, là lúc để Sadness điều khiển cảm xúc của em. Được Joy truyền động lực, Sadness ôm 5 kí ức cốt lõi lần lượt hiện lên trong tâm trí Riley, với màu xanh buồn bã. Riley cuối cùng không thể kìm nén cảm xúc của mình, đã bật khóc nức nở. Con biết bố mẹ không muốn con buồn, nhưng… con nhớ nhà cũ quá! Cuối cùng… cuối cùng thì Riley đã giãi bày lòng mình, cuối cùng em cũng đã nói cho bố mẹ biết được nỗi niềm bấy lâu nay em luôn ủ ấp. Thật sự xúc động vì đến cuối cùng, em đã vượt qua khủng hoảng tinh thần đầu đời cùng bố mẹ. Và, một kí ức cốt lõi hòa quyện giữa màu xanh dương và màu vàng được tạo ra, mọi chuyện trở lại quy củ của nó, các đảo nhân cách cũng được gây dựng lại. Và thật tinh tế biết bao, 5 kí ức cốt lõi hình thành không chỉ mỗi màu vàng năng động nữa mà đầy đủ 5 màu, 5 cảm xúc. Và… mọi chuyện đều ổn.

[Bookademy] Review Phim “Inside Out”: Mọi Cảm Xúc Của Con Người Đều Có Ý Nghĩa Của Nó, Kể Cả Nỗi Buồn - YBOX

Inside Out – Sáng Tạo Rung Động Và Tinh Tế

Với Inside out, có nhiều khán giả kĩ tính đánh giá rằng nó phi logic đối với người lớn và khó hiểu đối với trẻ em. Phi logic ở chỗ con người không chỉ có 5 cảm xúc cốt lõi, thật thiếu sót khi không có Pride (Tự Hào) và Happy (Hạnh phúc)… Và hiển nhiên, trẻ em không thể nào nhận biết được hết mọi thông điệp gửi gắm trong bộ phim. Tuy nhiên, theo tôi, Pride hay Happy đều là một dạng của Joy, và đối với trẻ em, đôi khi chúng không cần phải hiểu một bộ phim mang lại ý nghĩa gì, chúng có thể được bố mẹ dẫn giải, và tôi tin chẳng có đứa trẻ nào đủ trưởng thành để có thể cảm nhận chúng đâu, thậm chí với một người lớn, có khi họ chỉ xem phim đơn giản để giải trí mà thôi. Chúng ta vui vẻ với những tình huống hài hước, dở khóc dở cười trong phim, chúng ta khóc với những nốt lặng của câu chuyện, chúng ta vỡ lẽ khi nhận ra rằng bấy lâu nay nỗi buồn trong chúng ta đã bị tổn thương rất nhiều. Điều quan trọng nhất khi xem xong Inside out, chúng ta cần biết rằng, đôi lúc chúng ta yếu đuối cũng không sao, yếu đuối để mạnh mẽ là bước đi giúp chúng ta cứng cáp, trưởng thành và hoàn thiện nhân cách của mình.

Tác giả: Thùy Dương – Bookademy

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: sachvui.co/bookademy.vn