Rate this post

Không biết các bạn có giống tôi không, khi xem phim thường thích để ý tâm lý, tính cách của nhân vật và từ đó yêu thích, học hỏi họ. Ví dụ như xem Tân Dòng Sông Ly Biệt thì nghĩ rằng tính cách của một cô gái nên là sự tổng hòa 50-50 hoặc 60% của Y Bình và 40% của Như Bình sẽ là tuyệt vời nhất. Hoặc là khi xem Mẹ hổ bố mèo, cảm thấy học được nhiều điều và chiêm nghiệm được về cuộc sống hôn nhân. Quả thật cuộc đời không hoàn toàn do bản thân mỗi người quyết định, nó phụ thuộc một phần vào hoàn cảnh ta rơi vào, những người mà ta gặp và chung sống, còn lại 50% là do bản thân ta, tôi nghĩ vậy.

Để nói hình tượng nhân vật nữ tôi yêu thích nhất trong các bộ phim hiện đại lẫn cổ trang Trung Quốc đã xem qua thì chỉ có thể là Đậu Y Phòng trong Mỹ nhân tâm kế. Xem phim này hai lần và còn tìm đọc trên Wiki để so sánh, hình như Đậu Y Phòng trên phim không hoàn toàn giống với lịch sử.

Không biết là nhà dựng phim bằng cái tâm và sự thiện cảm với nhân vật đã thấu hiểu mà dựng đúng hơn so với lịch sử ghi chép dựa trên nhìn nhận phiến diện của người ghi; hay là phim ảnh chỉ đang tô vẽ để thần tượng hóa nhân vật trong lòng người xem. Nói gì thì nói, tôi rất thích hình tượng nhân vật Đậu Y Phòng trong Mỹ nhân tâm kế.

Đầu tiên phải kể đó là một đứa trẻ rất thông minh, dũng cảm, rơi vào cảnh khó khăn, không cha, mất mẹ, phải ở với cậu mợ, mà rất bản lĩnh, hiểu chuyện. Đứa trẻ đó biết nín nhịn, chịu đựng, chịu thương chịu khó, không gây khó dễ cho cậu mình, vì biết tuy cậu thương mình nhưng gia cảnh cũng khốn khó và nếu không có mình thì cậu cũng đã khổ sở vì mợ lắm rồi, không nên gây khó nghĩ thêm cho cậu.

Lớn lên một chút, cô gái ấy thật khéo léo thông minh khi biết mách khéo bà mợ để trị tội ông anh họ thô lỗ có ý định không tốt với mình, cho tên ấy bị mẹ trừng trị thích đáng. Rồi đi xem mặt để chọn ý trung nhân, cô gái ấy trang điểm cho mặt mũi xấu xí đi. Dẫu biết là phận nữ nhi ngày xưa, cha mẹ, hay ở đây thì cậu mợ của Đậu cũng như cha mẹ, đặt đâu thì con ngồi đấy. Nhưng cô gái này khéo léo hóa trang mình xấu xí đi, là một cách rất thông minh để dẫu cho cái quyền chọn hay không chọn cưới mình trông có vẻ thuộc về đấng nam nhi kia, nhưng thực ra chính mình cũng nắm phần tác động. Nếu vị hôn thê tương lai chỉ vì nhan sắc bề ngoài mà từ bỏ, thì mình cũng thoát được cảnh khổ về sau, phải nói cô Đậu thông minh sâu sắc lắm. Nhưng mà người dù có khôn ngoan sâu sắc đến đâu, chỉ 50% số mệnh là mình nắm giữ. Ngay khi vị công tử định từ chối Đậu, vì hắn thực tế chỉ là kẻ bướm hoa, đã gạt gẫm nhiều cô gái khác, trong đó có em gái kết nghĩa mà sẽ gây oán hận cho Đậu về sau, thì trời lại đổ cơn mưa, và những vết tàn nhang mụn giả trên mặt Đậu trôi hết. Vị công tử nhận ra cô gái vốn dĩ xinh đẹp thì thay lời, nói muốn cưới nàng làm vợ. Đậu vui mừng tưởng gặp được người thương mình thật lòng, về nhà nhìn lại gương mới biết kế sách không thành công. Nhưng mọi chuyện đã rồi, cũng đành thuận tình lên kiệu hoa.

Đám cưới không thành, chú rể bị kẻ hận tình Thận Nhi giết ngay trong đám cưới. Những hoàn cảnh nối tiếp nhau đẩy cuộc đời Đậu Y Phòng đến những truân chuyên và đưa nàng lên ngôi vị cao nhất dù tâm nàng chưa hề mong cầu. Xuyên suốt bộ phim hiện lên là một cô gái đầy tự trọng, biết mình biết ta, không cưỡng cầu, biết chấp nhận một chút, biết tiến biết lùi một chút.

Với người yêu thương thì trọn tình, trọn nghĩa, nhiều khi nhận một chút cay đắng về mình, nhưng cũng khéo léo hết sức để bảo vệ hạnh phúc, nắm giữ sự yêu thương của đối phương. Đâu chỉ có Hán Văn Đế Lưu Hằng yêu thương Đậu hoàng hậu, mà còn có nhân vật khác trong phim yêu thương và sẵn sàng hy sinh cả cuộc đời cho Đậu dù cô chỉ trân trọng cái nghĩa bạn bè với họ. Nể phục Đậu ở chỗ cô ấy thật tâm yêu thương Hán Văn Đế nhưng suốt một đời phải giấu người một bí mật. Cái bí mật đó, tôi cho rằng Lưu Hằng biết, thừa biết, nhưng vì yêu, vì tin tưởng tuyệt đối, sẵn sàng nhắm mắt làm ngơ. Còn Đậu hoàng hậu, vì để bảo vệ mình, bảo vệ hôn nhân của mình, bảo vệ chính người chồng mà mình hết lòng yêu thương, nàng phải giữ cái bí mật đó suốt một đời với người. Tôi thấy đó là cái khó nhất. Bởi vì trong tình yêu, chân thành và lòng tin là cần thiết, mà để cân bằng giữa chân thành, lòng tin và một bí mật tuyệt nhiên cả đời không được tiết lộ, thật sự rất khó. Một hạnh phúc rất khó gìn giữ, mà Đậu làm được.

Với người yêu thương thì vậy, với bạn bè thì tình nghĩa. Với kẻ dưới thì thấu hiểu, cảm thông, cứng rắn. Với kẻ thù thì kiên quyết, sắt đá, phải nhìn ánh mắt của Đậu khi tát liên tục vào mặt Thận Nhi, nhìn cách nàng ban chết cho Thận Nhi, mới thấy ở đời không nên hiền lành quá đáng, nếu không muốn chết vì nhu nhược. Đậu yêu thương, Đậu nhân nhượng, nhưng không phải vì vậy mà để cho kẻ thù được nước làm tới, khi cần, nàng cũng cứng rắn, cũng nhẫn tâm. Để bảo vệ chính mình và hạnh phúc của mình.

Cũng giống như với người hầu gái cũng là người bạn hết mực trung thành Mạc Tuyết Diên, Đậu Y Phòng luôn đối xử như bạn bè, tình thân như tỉ muội, nhưng khi sự có mặt của người tỉ muội này có thể làm lộ bí mật, gây nguy hiểm, cô cũng cần tìm cách đẩy cô ấy đi. Cứng rắn, mà không tuyệt tình, cả bộ phim ta không trách được một chút nào những đối đãi của Đậu với Mạc. Phải nói khi Tuyết Diên lâm vào đường cùng, khó xử giữa nghĩa và tình mà phải tự vẫn, thì mới thấy ngày xưa Đậu quyết gả Tuyết Diên, chia cách Tuyết Diên với Châu Á Phu, cũng chưa hẳn là đẩy Mạc cô nương vào cảnh khổ. Chẳng qua Đậu cũng chỉ là người phàm mắt thịt, làm sao biết được vị hôn phu của Mạc có phải là kẻ tốt hay không và chắc gì Mạc theo hắn đã hạnh phúc. Nhưng cái tâm không cố hại ai chỉ vì lợi ích của mình thể hiện ở chỗ Đậu không hề tức giận khi thấy Châu Á Phu trái lệnh vua chạy đi cứu Tuyết Diên. Ý định không thành, thì Đậu vẫn chấp nhận và thấu hiểu, bao dung kẻ khác dù điều đó đẩy cô vào cảnh khó xử, bất lợi.

Với bề trên thì cô Đậu kính yêu, đúng mực, nhưng khi cần thì cũng cương quyết, rắn rỏi. Phải xem lúc mẹ của Lưu Hằng cứ một mực thích Châu Tử Nhiễm làm con dâu, phong Châu làm hoàng hậu dù biết Lưu Hằng yêu Đậu, bà đối xử nhiều điều bất công với Đậu, nhưng cô vẫn nín nhịn, vậy mà đến lúc cần bảo vệ giang sơn, bảo vệ hạnh phúc gia đình, cô vẫn có thể bày tỏ thái độ hết sức cứng rắn với mẹ chồng, để ép bà giao ra hổ phù hay gì đó tôi không nhớ rõ ^^

Với con cái thì, bao dung có, nghiêm khắc có, nhìn cái cách Đậu dạy dỗ con dâu, không can dự nhiều vào chuyện yêu đương của con trai mà để con tự lắng nghe trái tim. Đậu thích cô dâu này hơn cô dâu kia chứ, nhưng không ép con trai mà chỉ khéo léo bày cách cho cô dâu này để chiếm được tình cảm của con trai mình, cũng là để trở thành một người vợ tốt. Tiếc là cô dâu ấy không được thông minh khéo léo như Đậu, lại không có nhan sắc, nên mãi không có được trái tim của nhà vua. Còn cô gái mà con trai mình nhất mực yêu thương thì sao, lại chính là con gái của kẻ thù, nhưng Đậu vẫn chấp nhận, vẫn xem xét tâm tính, nếu đủ tốt, Đậu vẫn ủng hộ. Nếu không có sự bao dung của Đậu, liệu con gái của kẻ thù có đoàn tụ với nhà vua và lên ngôi hoàng hậu được không? Tôi cho rằng không, quyền lực và sự tác động của một người mẹ lên con trai, thật sự không bao giờ có thể xem thường. Chỉ là, người mẹ ấy có cái tâm và sự công bình sáng suốt đến mức độ nào mà thôi.

Lịch sử nói Đậu can dự triều chính, thương con thứ, gây khó dễ cho con trưởng là vua đương thời, nhẫn tâm hãm hại nhiều người để có được ngôi vị cao nhất. Nhưng bằng những tình tiết của bộ phim, Chi thấy thấu cảm cho người phụ nữ ấy, bề ngoài người ta có thể nhìn mà phán xét, nhưng nếu hiểu rõ bản chất của vấn đề, thì đó thực sự là một người phụ nữ khéo léo và mang cái tâm đẹp tuyệt vời mới có thể cân bằng và dung hòa được giữa chốn cung đình triều chính tranh chấp địa vị quyền lực, yêu hận rối ren như vậy.

Không biết Hán Văn Đậu Hoàng Hậu, Thái Hoàng Thái Hậu thật sự là người thế nào, nhưng mà viết hoài không hết được những điều tôi nể phục ở nhân vật do Lâm Tâm Như thủ vai trong Mỹ Nhân Tâm Kế.

Các bạn gái nên xem, nếu bạn có chút nữ nhi thường tình như tôi 🙂

Các bạn trai nên xem, nếu bạn thích tuýp nữ nhi thường tình. 🙂