Rate this post

NỤ CƯỜI HUYỀN BÍ CỦA ROSASHAN

   “Y không yêu mến đất, cũng như ngân hàng không yêu mến đất, y có thể ca ngợi chiếc máy cày… những bề mặt nhẵn bóng của nó, sức mạnh của đà vươn tới, tiếng gầm gào của những ống xilanh nổ ầm ầm, nhưng đó không phải là máy cày của y.

Phía sau máy cày, những chiếc đĩa quay rộng lấp lánh, lưỡi đĩa sắc lấp lánh cắt xẻ đất – như kiểu giải phẫu chứ không phải cày bừa – gạt đất cắt sang phía phải để cho hàng đĩa thứ hai cắt và đẩy nó sang trái. Rồi, kéo theo sau đĩa là những cái bừa răng bằng thép cào lên đất đến nỗi các mô đất vụn tơi ra và đất được san bằng. Sau những chiếc bừa là máy gieo hạt… mười hai cái dương vật bằng sắt uốn cong trở vào, được luyện cứng ở lò đúc, được khởi động các đòn bẩy, đang hãm hiếp đất một cách có phương pháp, một cách lạnh lùng.”

   Tiểu thuyết “Chùm nho phẫn nộ” của John Steinbeck là một áng văn chương hiện thực bức bối, ngột ngạt. Góp phần không nhỏ để tạo nên cái không khí riêng có, đặc trưng của tác phẩm chính là lối hành văn thợ máy của tác giả. Văn phong của John Steinbeck lạnh lùng như bề mặt kim khí, chính xác như bulong ăn khớp với ecu, chặt chẽ kín kẽ như hai mặt bích, đôi khi hài hước như tiếng vang leng keng của cờ lê gõ lên mặt động cơ diesel.

   “Chùm nho phẫn nộ” viết về cuộc sống của những con người đột nhiên mất hết đất đai. Những con người vốn nhiều đời gắn bó với đất, làm lụng trên đất, gieo trồng, gặt hái, chăn nuôi trên đất. Những con người yêu đất, hiểu đất, chung sống cộng sinh cùng đất như những cái cây sống bám rễ trong đất, vươn cành nhánh lên bầu trời bảo vệ đất và khiến đất sinh sôi.

Xem thêm: Review Vụ án mạng ở lữ quán Kairotei – Khi hận thù gắn mác tình yêu

Chùm Nho Phẫn Nộ Review Sách Chùm Nho Phẫn Nộ

Những cái cây ấy bỗng nhiên bị nhổ tung cả rẽ lên và quẳng ra khỏi cánh đồng của chúng. Họ ngơ ngác, hốt hoảng, bơ vơ, lo lắng trước một hiện thực quá đỗi lạ lùng. Những cái cây vốn quen bán chắc vào đất bây giờ buộc phải di chuyển, di chuyển không ngừng trên những chiếc xe cũ nát, tàn tạ, từng đoàn, từng đoàn, mệt nhọc lết trên mọi nẻo đường miền tây nước Mỹ để tìm một nơi để có thể bám rễ:

   “Họ di chuyển vì họ không thể làm khác được. Chính vì thế mà họ di chuyển mãi. Họ di chuyển bởi họ mong muốn cái tốt đẹp hơn cái họ có. Một khi họ muốn nó, thấy cần có nó thì họ ra đi và tìm nó.”

Có thể bạn quan tâm: Tứ đại danh tác nổi tiếng nhất của Trung Quốc

   Kết cấu của “Chùm nho phẫn nộ” rất thú vị, một chương về “chúng tôi” xen kẽ với một chương về “chúng ta”, cái riêng biệt, cá thể hòa chung cùng với cái phổ quát tổng thể. Nhân vật chính của tác phẩm là đại gia đình Joad, ông, bà, bố, mẹ, những đứa con, người chú, ông linh mục đang tìm kiếm đức tin. Họ rong ruổi khắp nơi để tìm việc làm.

Từ những điều nhà Joad chứng kiến, ta dần ghép được một bức tranh hiện thực đầy tương phản và tàn khốc về số phận của những nông dân Mỹ trong cuộc cách mạng cơ khí hóa ngành nông nghiệp. Hiện thực tàn khốc nhưng ở ngay những nơi tưởng như tăm tối nhất, tình người vẫn ấm áp, để khiến người ta còn neo giữ được chút hy vọng mong manh vào tương lai:

   “Khi người ta bị túng thiếu hoặc gặp sự phiền muộn hay bị xúc phạm thì chỉ nên đến với người nghèo khổ. Họ là những người duy nhất sẵn lòng giúp mình. Chỉ có họ mà thôi.”

   Nụ cười huyền bí của Rosashan là hình ảnh khép lại câu chuyện dữ dội của John Steinbeck. Rosashan là cô con gái của ông bà Joad, cô có bầu khi cả nhà bắt đầu chuyến du hành. Chồng cô đã bỏ rơi cô ở đoạn giữa hành trình. Đứa con cô đang mang nặng cũng bỏ rơi cô, đứa bé bị chết lưu, vì Rosashan phải di chuyển không ngừng trên đường, vì Rasashan phải hái bông, vì Rasashan thiếu ăn… dù sao thì đứa con chưa ra đời, niềm hi vọng để người mẹ trẻ hay mơ mộng kia bấu víu đó cũng đã chết. Tưởng như Rosashan sẽ rơi vào tuyệt vọng không thể gượng lên được, thì cô gái ấy lại làm một điều phi thường.

   Khi nhà Joad chạy lên kho thóc cao để tránh trận lụt (cơn mưa lớn bất thường, nước không ngừng dâng cao làm người ta không thể không nghĩ tới Hồng Thủy), họ gặp hai cha con, hai kẻ cũng đang tuyệt vọng như họ. Người cha già thoi thóp vì cả tuần không được ăn, cả tuần nhường thức ăn cho con. Ông ta sắp chết và Rosashan đã cho ông bú dòng sữa ngọt ngào của mình.

   I am not what you think i am

   You are what you think i am.

Xem thêm: 5 Bí kíp Marketing siêu đẳng

   Nụ cười của Rosashan bởi vậy chính là nụ cười của John Steinbeck, chính là nụ cười của chúng ta. John Steinbeck đã đặt tên tác phẩm lấy cảm hứng từ sách Khải Huyền và kết thúc tác phẩm với cảm hứng về nghệ thuật, sự tích “Cimon and Pero” nổi tiếng. Cimon là một nhà cách mạng bị bắt giam và bị cấm thực. Ông đói khát, kiệt quệ trong lao tù. Pero, con gái ông vừa sinh con, cô vào thăm cha, quá thương cha nên đã cho cha bú dòng sữa ngọt ngào của mình. Một câu chuyện đầy nhân văn thách thức mọi luân lý và khiến con người ta bừng tỉnh, như “Chùm nho phẫn nộ” kia.

===

Ảnh: tác phẩm, hình ảnh bộ phim chuyển thể, bức tranh “Cimon and Pero”.

Những đoạn văn trong “.” được trích từ tác phẩm.