Review sách Từ Tân Thế Giới – Yusuke Kishi
Người dịch: Vũ Phương Anh (quyển thượng) Thạch Vũ (quyển trung)
Từ Tân Thế Giới là bộ tiểu thuyết gồm ba tập thuộc thể loại sci-fi. Truyện được viết theo dạng hồi kí của nhân vật nữ chính, Watanabe Saki. Hiện tại bản tiếng Việt đã được Thái Hà xuất bản hai tập là quyển thượng và quyển trung.
Cuốn sách kể về cuộc sống của Saki và những người bạn của cô ở quận 66 Kamisu, từ khi thơ ấu cho đến lúc trưởng thành. Trong một bối cảnh tương lai giả tưởng, họ cùng nhau tìm hiểu về chân tướng của thế giới, về lịch sử của nhân loại đã bị che giấu, xoá bỏ và phải tự đứng lên hành động để cứu lấy chính bản thân.
Đây là một bộ tiểu thuyết rất xuất sắc, không có chỗ nào tôi cảm thấy cần phải chê cả.
Không chỉ vì nó đã giành được giải thưởng Grand Prize tại Lễ trao giải khoa học viễn tưởng Nhật Bản lần thứ 29 Nihon SF Taisou 29th do Hiệp hội các nhà văn giả tưởng và khoa học viễn tưởng Nhật Bản bình chọn (copy giới thiệu) như quảng cáo. Mà còn vì tác phẩm có đầy đủ cả ba yếu tố quan trọng là hấp dẫn, sáng tạo và logic.
Về hấp dẫn: Cái này cũng khó nói, nó thuộc về chủ quan sở thích của mỗi độc giả, năm người sẽ có mười ý, tùy người mà hay dở khác biệt. Nhưng với tôi thì mô típ nhóm bạn cùng phiêu lưu chưa bao giờ cũ.
Truyện hồi hộp, hài hước, bí ẩn nhưng cũng thật cảm động. Tác giả nhắc đến nhiều vấn đề về giáo dục, đạo đức, kiểm soát và tự do. Thế giới trong sách thật đẹp nhưng cũng thật tù túng.
Nội dung lôi cuốn khiến tôi khi mới đọc được nửa quyển thượng đã phải ngay lập tức đặt hàng luôn quyển trung. Lâu rồi tôi mới đọc được một bộ sách thú vị đến như thế.
Về sáng tạo: Từ Tân Thế Giới sáng tạo nhất trong số những tiểu thuyết sci-fi mà tôi đọc (mà thực ra thì tôi cũng không đọc được nhiều sách sci-fi lắm).
Về logic: Truyện không có lỗi logic nào (hoặc có nhưng tôi chưa tìm thấy). Bất cứ khi nào cảm thấy có tình tiết hơi lăn tăn thì đoạn sau đều sẽ được tác giả giải đáp. Tác giả trả lời xuất sắc cho những câu hỏi:
Khi trên thế giới xuất hiện những con người có siêu năng lực thì xã hội của chúng ta sẽ phát triển ra sao?
Khi mà ai cũng có thể làm biến dị các giống loài, thay đổi cả thiên nhiên, hủy diệt những người khác, hay thậm chí là hàng triệu người khác. “Một thế giới mà tất cả con người đều nắm giữ công tắc hạt nhân” thì thế giới ấy sẽ trở nên như thế nào?
Và cái thế giới mà tác giả đã xây dựng ra cực kỳ hợp lý.
Cảm nghĩ sơ qua của tôi về một số nhân vật:
Nữ chính, Watanabe Saki: Theo nhận xét của các nhân vật khác, cô là một người “bình thường trong hầu hết phương diện nhưng lại có một trái tim cứng cỏi” tôi hoàn toàn đồng ý. Ngoài ra thì tôi thấy Saki còn khá thông mình nữa (cũng có thể vì truyện được viết lại từ chính cô).
Asahina Satoru: một cậu trai năng động và vui vẻ, theo đúng kiểu thanh thiếu niên. Cậu cũng khá là thông minh (mà trong truyện không có ai thực sự ngốc nghếch cả).
Aonuma Shun: Thông minh hơn Satoru. Cậu là người trầm tĩnh và tỉnh táo. Giữa Shun và Satoru có một đoạn tình tiết rất thú vị. Vừa bất ngờ lại vừa không bất ngờ lắm ở quyển trung, nói chung là rất đặc sắc.
Nữ phụ, Akizuki Maria: Hơi mờ nhạt và không thể hiện được gì nhiều. Nhưng có lẽ trong quyển hạ cô sẽ được xuất hiện nhiều hơn, như tác giả đã nhắc trước ở phần đầu.
Nam phụ thứ hai, Itou Mamoru: mờ nhạt tương đương Maria, nhưng cũng chính nhờ sự mờ nhạt đó của cậu mà thúc đẩy cho một loạt tình tiết phát triển.
Squealer: Một nhân vật được xây dựng thú vị, có lẽ sẽ là nhân tố quan trọng trong quyển hạ.
Phản diện: Thế giới và Xã hội.
Truyện rất hay, mong Thái Hà sớm cho ra mắt quyển hạ. Cũng mong các đơn vị phát hành sách và các nhà xuất bản cho ra thêm những đầu sách khác của tác giả Kishi.