5/5 - (1 bình chọn)

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Cao Xuân Hạo

Download sách Tiếng Việt văn Việt người Việt ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : SÁCH KỸ NĂNG MỀM

2. DOWNLOAD

Định dạng ebook

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách

3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu

Hầu hết những văn bản được sưu tập trong cuốn sách này đều là những bài báo không có tính chất chuyên môn, không đòi hỏi một vốn tri thức gì chuyên biệt. Tác giả không có tham vọng trình bày những luận cứ thực sự khoa học. Vì vậy, Tiếng Việt, Văn Việt, Người Việt không chỉ là một cuốn sách dành cho sinh viên, giới nghiên cứu ngôn ngữ mà còn dành cho tất cả độc giả phổ thông, những ai yêu tiếng Việt.

Di hại của cái chủ trương ngu dân ấy cho đến ngày nay vẫn còn rõ mồn một. Sở dĩ việc dạy ngữ pháp tiếng Việt trong nhà trường của ta hoàn toàn thất bại là vì nội dung được đem ra dạy chính là ngữ pháp tiếng Pháp, được miêu tả theo một lối cổ lỗ, chứ không phải ngữ pháp tiếng Việt, tuy dùng toàn thí dụ tiếng Việt. Chỉ nhờ một sự trùng hợp tình cờ mà tiếng Việt có những kiểu câu có thể phân tích theo ngữ pháp tiếng Pháp (của nhà trường Pháp trước đại chiến – Chủ ngữ, Động từ, Tân ngữ, v.v.), nhưng tiếc thay, những kiểu câu “Pháp-Việt đề huề” như thế chỉ chiếm khoảng 20% trong số kiểu câu của tiếng Việt, còn các kiểu câu không hoàn toàn giống tiếng Pháp thì một là khi phân tích người ta tìm cách đảo lại cho giống tiếng Pháp (như đảo câu Tôi tên là Nam thành Tên (của) tôi là Nam); hai là cắt bớt cái phần không giống tiếng Pháp đi (bỏ chữ Tôi trong câu trên ra ngoài “nòng cốt cú pháp”); ba là không phân tích những kiểu câu ấy, coi đó là “câu đặc biệt”; trong khi ít nhất có 70% kiểu câu như thế trong vốn văn học dân gian, trong văn học cổ điển và hiện đại, cũng như trong tiếng nói hàng ngày mà ta vẫn nghe thường xuyên. Có một điều lạ là phần đông các tác giả ngày nay đang viết sách không biết tiếng Pháp, hay biết rất ít, cho nên không thể nói rằng họ “chịu ảnh hưởng tiếng Pháp quá nhiều”. Nhưng việc mô phỏng ngữ pháp tiếng Pháp từ lâu đã trở thành một truyền thống, nhờ uy tín của những bậc tiền bối chỉ biết một thứ ngữ pháp cho nên yên trí rằng đó là ngữ pháp mẫu mực của toàn nhân loại, hay ít ra cũng là thứ ngữ pháp “văn minh nhất”. Từ đó mọi người, chính vì lòng tự tôn dân tộc, ra sức gò bằng được ngữ pháp tiếng mẹ đẻ vào cho đúng với cái khuôn của ngữ pháp tiếng Pháp, để nêu rõ rằng tiếng Việt không thua kém gì ai. Họ cũng ít khi ngờ rằng một khi họ đã cho điểm thấp các học sinh viết “câu què” và “câu cụt” (vì không có đủ các thành phần câu của tiếng Pháp) thì lẽ ra họ phải kiến nghị gạt ra khỏi sách giáo khoa các tác phẩm của Nguyễn Du, Tú Xương hay Xuân Diệu, Nguyễn Khải, các câu tục ngữ, ca dao và các tác phẩm văn học dân gian khác, vì trong tất cả các tác phẩm này số “câu què” và “câu cụt” chiếm đến 70%.

Trong khi đó, trong 12 bộ sách tiếng Việt dạy cho các lớp phổ thông khó lòng tìm ra được lấy một chục câu nêu rõ các quy tắc ngữ pháp (tiếng Việt) mà học sinh phải vận dụng thành thạo để viết cho đúng, nếu không kể vài ba trường hợp may mắn mà ngữ pháp tiếng Việt giống như ngữ pháp tiếng Pháp (chẳng hạn như trong câu Em đi học, phải nói em trước, rồi mới đến đi, rồi mới đến học). Còn hàng trăm quy tắc khác, cũng cơ bản và cần thiết không kém, thì chẳng có sách nào nói lấy một câu. Cũng may mà 12 năm học “tiếng Việt” vẫn không đủ để tiêu diệt hết cái cảm thức về tiếng mẹ đẻ mà mỗi học sinh, nhờ sống trong lòng nhân dân, vẫn còn giữ nguyên bất chấp các sách giáo khoa, cho nên vẫn nói đúng trong những điều kiện sinh hoạt tự nhiên, tuy có thể viết sai rất nhiều, vì khi viết và nhất là khi dịch từ tiếng Âu châu người ta lâm vào những điều kiện khác hẳn, thành thử cái cảm thức kia không còn chi phối hành vi ngôn ngữ nữa, và nhiều khi người ta viết ra những câu mà thường ngày người ta không bao giờ nói và nghe người Việt nói, và nếu có nghe ai nói như thế thì người ta phải bật cười. Lẽ ra một người làm ngôn ngữ học hay làm phiên dịch chuyên nghiệp phải luôn luôn nhớ rõ hàng ngày mình và đồng bào mình nói năng như thế nào.

Đến những năm 50, còn có thêm một nhân tố nữa làm hỏng hẳn cách suy nghĩ và viết lách của các nhà Việt ngữ học. Đó là cái nguyên tắc lấy “khả năng kết hợp”, được hiểu một cách thô sơ thành sự phân biệt giữa “độc lập” và “hạn chế”, làm “tiêu chuẩn khách quan” để phân biệt đủ thứ (từ hay không phải từ, có nghĩa hay không có nghĩa, thuộc từ loại này hay từ loại khác, v.v.). Nguyên tắc này vốn do phái Miêu tả của Mỹ đưa ra trong thập kỷ 30 và chỉ sau đó mấy năm đã bỏ hẳn, vì khi thực sự dùng vào việc phân tích, nó dẫn đến những kết luận cực kỳ phi lý. Thế nhưng, nó đã được các nhà Việt ngữ học đi theo Lê Văn Lý dùng làm nguyên lý chủ đạo trong mọi lĩnh vực, kể cả những tác giả đã không tiếc lời mạt sát nền ngôn ngữ học Mỹ. Sở dĩ như thế là vì cái “tiêu chuẩn” này miễn được cho nhà ngữ học nhiều công việc rất khó chịu như việc quan sát tỉ mỉ lời ăn tiếng nói của người Việt và suy nghĩ kỹ càng về ý nghĩa của từ ngữ và câu cú Việt Nam. Vì phương pháp miêu tả Mỹ của những năm 30 vốn nhằm làm sao cho người nghiên cứu không cần hiểu người bản ngữ nói gì, diễn đạt ý nghĩa gì cũng cứ viết sách ngữ pháp được. May thay, họ từ bỏ cái tham vọng đó ngay từ đầu. Nhưng ở ta thì không phải ai cũng chịu từ bỏ một phương pháp tài tình cho phép nhà khoa học được hoàn toàn miễn lao động trí óc. Sức cám dỗ của nó quá lớn, nhất là trong hoàn cảnh của ta.

Rốt cuộc, ngoài việc phân biệt “độc lập/hạn chế” ra, người viết sách ngữ pháp Việt Nam không còn biết đến một nguyên tắc làm việc nào khác (nếu không kể cái định kiến cho rằng tiếng Pháp (hay tiếng Nga, tiếng Anh) thế nào thì tiếng Việt “dĩ nhiên” phải thế ấy). Kết quả là sách ngữ pháp tiếng Việt hoàn toàn thóat ly tiếng Việt, và nếu bỏ các thí dụ bằng tiếng Việt đi thì ta sẽ có một chân dung tiêu biểu của một thứ ngôn ngữ Ấn-Âu điển hình, trừ một số đặc trưng hình thái học (như “chia động từ”, “biến cách” v.v., mà không phải ngôn ngữ Ấn-Âu nào cũng còn giữ). Sách ngữ pháp của ta là một tập hợp những sắc lệnh võ đoán mà người học phải chấp nhận như một giáo lý thiêng liêng hơn cả những sự thật hiển nhiên mà họ (và người ban bố sắc lệnh) có thể quan sát mỗi ngày mấy trăm lần trong tiếng nói của toàn dân và của chính mình. Những sắc lệnh ấy là do những bộ óc siêu quần chợt “ngộ” ra trong những khoảnh khắc lóe sáng của thiên tài, chứ không phải là kết quả của những năm lao động miệt mài nghiên cứu lời ăn tiếng nói của dân tộc. Không có lấy một nhận định nào được nêu rõ căn cứ, không có lấy một khái niệm, một thuật ngữ nào được định nghĩa một cách nghiêm túc, nghĩa là đủ minh xác để cho học sinh và giáo viên có thể tự mình biết là cái khái niệm, cái thuật ngữ ấy ứng vào những từ ngữ nào, thành thử ít có giáo viên nào dám tự mình đưa thêm một vài thí dụ ngoài các thí dụ trong sách. Những cách định nghĩa như “Chủ ngữ là ngữ làm chủ” không cho ai biết thêm được chút gì để tự mình tìm ra một thí dụ về chủ ngữ, càng không giúp ai sử dụng khái niệm này để hiểu thêm tiếng Việt.

Cái lợi duy nhất của cách soạn ngữ pháp ấy là các tác giả tha hồ thay đổi giáo trình tuỳ theo cảm hứng, cứ một vài năm lại “cải cách” một lần bằng cách đưa ra một nhận định ngược với nhận định năm trước mà không cần phải chứng minh gì cả (vì cái nhận định năm trước cũng có hề được chứng minh gì đâu). Dù năm trước có nói con mèo là hai từ, thì năm sau cứ việc nói con mèo là một từ nếu nảy ra cái ý thích nói như thế: cần gì biết giáo viên ăn nói ra sao với học sinh, học sinh ăn nói ra sao với cha mẹ. Khổ thân nhất là những học sinh có cha mẹ hay chú bác có chút văn hóa đủ để biết thế nào là một quy tắc, một khái niệm, một thuật ngữ khoa học, và thế nào là một câu tiếng Việt tử tế: cái vốn văn hóa ấy mà dùng vào việc “phụ đạo” cho con cháu chắc chắn sẽ làm cho chúng ăn điểm 1 điểm 2 suốt đời, vì sách giáo khoa tiếng Việt không hề căn cứ vào một cái gì mà người Việt có văn hóa phải biết cả. Nền ngôn ngữ học của thế giới sở dĩ tiến bộ được như ngày nay chính là nhờ trải qua một quá trình lâu dài và gian khổ khắc phục cách nhìn chủ quan của người nói tiếng Âu châu đối với các thứ tiếng “xa lạ”, bằng cách nghiên cứu kỹ hàng trăm ngôn ngữ “xa lạ” như thế. Đến 1/4 cuối của thế kỷ, công việc ấy đã đưa đến những kết quả cho phép ta nói rằng quá trình khắc phục ấy đã gần xoá bỏ được những sự ngộ nhận về cơ bản của ngôn ngữ học phương Tây. Sở dĩ cái quá trình này lâu dài và gian khổ, chủ yếu là vì người Âu trước đây rất khó thấy mình chủ quan ở chỗ nào, vì không ai có thể thóat ly cái vũ trụ khép kín của tiếng mẹ đẻ. Trong ngôn ngữ nào cũng có những nét đặc thù mà người ngoại quốc thấy là rất kỳ quặc nhưng người bản ngữ lại cho là tất nhiên và tin chắc là thứ tiếng nào cũng phải như thế. Các nhà ngữ học phương Tây chưa phân tích được nền ngôn ngữ học do họ xây dựng nên một cách đủ hiển ngôn để phân biệt cái gì là phổ quát trong ngôn ngữ của toàn nhân loại với cái gì là đặc trưng của các thứ tiếng Âu châu.

Sau khi học ngôn ngữ học từ các giáo sư và tác giả người Âu (đó là cách duy nhất để học lý thuyết ngữ học), lẽ ra các nhà ngôn ngữ học Việt Nam có thể góp phần vào cái quá trình khắc phục những định kiến “dĩ Âu vi trung” bằng cách nêu lên những chỗ mà ngữ học Âu châu không có hiệu lực khi đem ứng dụng vào tiếng Việt, hay ít nhất cũng theo dõi cái quá trình khắc phục ấy và lần lượt tiếp thu những kết quả của nó để hiểu tiếng mẹ đẻ đúng hơn và sửa đổi cách dạy tiếng cho có hiệu quả hơn. Tiếc thay, ngày nay Việt Nam đang là cái pháo đài cuối cùng và cực kỳ kiên cố của chủ nghĩa dĩ Âu vi trung cực đoan trong ngôn ngữ học. Giá như nó không tác hại đến như vậy đối với hàng chục thế hệ thì cũng chẳng nói làm gì, để đến nỗi kinh động đến giấc ngủ đang yên lành của các tác giả sách giáo khoa và của các vị hữu trách ở Bộ Giáo dục, và chuốc lấy cái tiếng xấu là “ném bùn vào mặt mọi người” như một bạn đồng nghiệp đã từng mắng tôi.

Tôi không ném bùn vào ai hết. Tôi chỉ nói lên những sự thật thuần túy mà đã mười mấy năm nay chưa từng có lấy một người nào dám nói hay viết dù chỉ một câu để bác bỏ. Nếu có gì đáng cho tôi tự trách mình, thì đó là nói chưa đủ mạnh để thức tỉnh những bạn đồng nghiệp đang ngủ quá yên giấc.

Và tôi tuyệt nhiên không phải là người đầu tiên. Cách đây bốn mươi năm đã có một bậc đàn anh của ngành Việt ngữ học, giáo sư Nguyễn Tài Cẩn, đem từ Liên Xô về một báu vật vô giá: lý thuyết âm tiết-hình vị (slogomorphema) của một trong những nền ngôn ngữ học ưu tú nhất của nhân loại, lý thuyết duy nhất có thể giải đáp được những vấn đề mà một ngôn ngữ đơn lập như tiếng Việt (và nhiều ngôn ngữ phương Đông khác) đặt ra cho ngôn ngữ học hiện đại, và từ đó vạch ra một con đường đúng đắn để khắc phục chủ nghĩa “dĩ Âu vi trung”. Nhưng tiếc thay, hồi ấy không mấy ai hiểu ông. Ngược lại, người ta cố ý nhìn sang hướng khác, cố sao viết cho khác ông, để tỏ ra mình không đi theo ông, không phải là môn đệ của ông – nghĩa là thua kém ông. Cái không khí không lành mạnh ấy vẫn tồn tại cho đến bây giờ. Bây giờ thì trong đội ngũ ngôn ngữ học của chúng tôi cứ mỗi người là một học phái, không ai chịu nghe ai, không ai tranh luận với ai, vì sợ “động chạm” đến người khác và do đó người khác sẽ “động chạm” đến mình. Mỗi người đều thấy mình là duy nhất đúng, và đã nắm được chân lý tuyệt đối, cho nên không cần học hành gì nữa. Có chăng cũng chỉ để chạy theo những trào lưu thời thượng như “ngữ dụng học” hay “lý thuyết hội thoại”, đọc vài ba trang giới thiệu viết cho đại chúng, rồi vội vàng sáng tác hết bài báo này đến cuốn sách khác mặc dầu chưa hiểu lấy được phần nhỏ những khái niệm sơ đẳng nhất, và do đó mà chỉ làm thành một thứ biếm họa có nguy cơ gieo rắc sự ngộ nhận vào tâm trí mọi người. Trong khi đó, tiếng kêu cứu tuyệt vọng của hai ngành cơ bản là ngữ pháp và ngữ nghĩa không được quan tâm chút nào, vì lĩnh vực này bị coi là “cũ kỹ” và “không hợp thời”. Viết về “ngữ dụng” vừa khỏi phải học ngữ pháp, vừa dễ nổi hơn, lại vừa ra vẻ tân tiến hơn. Cho nên cái trận “phong ba bão táp” kia vẫn mặc sức hoành hành, và mấy mươi tiết “tiếng Việt thực hành” kia ở đại học vẫn tỏ ra vô hiệu. Làm sao nó có thể hữu hiệu được một khi nó chỉ lặp lại hay minh hoạ thứ ngữ pháp đã thóat ly tiếng Việt xa đến như vậy?